Tiếng Việt | English

05/07/2021 - 10:15

Nơi yên nghỉ của “hổ tướng” lừng danh

Quận công Nguyễn Huỳnh Đức là người tài giỏi, thao lược hơn người, được xem là “hổ tướng” trong đạo quân của Nguyễn Ánh. Ông là người trung quân, ái quốc, tiêu biểu cho vùng đất đầy hào khí của miền Nam xưa. Lăng mộ ông ngày nay là điểm đến tham quan lý tưởng, giáo dục những bài học lịch sử mang tính trực quan. Ngoài ra, kiến trúc khu lăng mộ với nét đẹp cổ kính cũng dễ làm say lòng du khách.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tham quan di tích đền thờ và lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (Ảnh tư liệu: Ngọc Mận)

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tham quan di tích đền thờ và lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (Ảnh tư liệu: Ngọc Mận)

Theo Hồ sơ di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Huỳnh Đức tên thật là Huỳnh Tường Đức (có tài liệu ghi là Huỳnh Công Đức), sinh năm 1748, tại huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (nay là ấp Dinh, phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An). Cha và ông nội ông đều là quan võ dưới triều Hậu Lê. 17 tuổi, ông đã tinh thông võ nghệ, can đảm hơn người. Năm 33 tuổi, ông theo phò Nguyễn Ánh và có công cứu tử Nguyễn Ánh khỏi sự truy đuổi của Tây Sơn nên được Nguyễn Ánh ban họ Nguyễn. Từ đó, ông thường được gọi là Nguyễn Huỳnh Đức.

Ông là người có tấm lòng trung đối với vua Gia Long Nguyễn Ánh. Mặc dù từng được Nguyễn Huệ trọng dụng nhưng ông vẫn tìm mọi cách về lại với Nguyễn Ánh và lập nhiều chiến công. Theo nhà nghiên cứu sử học Đỗ Thanh Bình, không chỉ văn nhân, võ dũng kiêm toàn, Nguyễn Huỳnh Đức còn nổi tiếng “Ngũ bậc công thần đất Gia Định”. Ông từng cầm quân, đứng đầu phủ Quy Nhơn, làm Tổng trấn Bắc Thành (năm 1810) rồi Tổng trấn Gia Định thành (năm 1815) vang danh cả nước(*). Ông mất năm 1819. Năm 1831, ông được vua Minh Mạng truy tặng tước
“Kiến Xương Quận công”.

Tấm bình phong tiền trên lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức

Tấm bình phong tiền trên lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức

Khu lăng mộ được Quận công Nguyễn Huỳnh Đức cho xây dựng năm 1817 tại làng Tường Khánh (nay là xã Khánh Hậu, TP.Tân An). Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức là kiến trúc cổ nhất của Long An còn tồn tại nguyên vẹn, có thể được xem là một di sản văn hóa của dân tộc. Lăng mộ được xây dựng với đá ong nguyên tảng và vữa tam hợp, tiêu biểu cho lối kiến trúc lăng mộ phục vụ tầng lớp quan lại phong kiến đầu thế kỷ XIX. Hồ sơ di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức có chép: “Lăng mộ được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền đăng đối nghiêm ngặt nằm trong một vòng thành hình chữ nhật”. Kiến trúc khu lăng mộ gồm có: Bửu thành, các trụ biểu, bình phong và bia mộ. Trên tấm bình phong tiền có khắc bài minh, trong đó có câu:

“… Kiệt xuất Sơn Đông 
Lẫm liệt oai phong
Chữ nghĩa vuông tròn
Sau trước tận trung…”.

Xung quanh mộ là hàng cây sứ cổ thụ với dáng cây đẹp mắt. Nét cổ kính, nên thơ của khu lăng mộ thu hút nhiều nhiếp ảnh gia và du khách đến tham quan, chụp ảnh. Bên những bờ tường đá rêu phong nhuốm bụi thời gian, dưới hàng hoa sứ trắng tạo nên khung cảnh vừa hoài cổ, vừa bình yên.

Ngoài ra, trong đền thờ của di tích còn giữ nhiều cổ vật có giá trị: Ấn, sắc phong, chiếu chỉ, khánh lệnh bằng đồng do vua Gia Long tặng,... Đặc biệt, trong đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức có bức chân dung cổ được vẽ năm 1802 là một hiện vật quý xứng đáng được giới mỹ thuật Việt Nam quan tâm. Ông Nguyễn Văn Thiện - người lập Hồ sơ di tích Đền thờ và Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức, nhận định: “Bức tranh thể hiện phong cách hội họa của các họa sĩ dân gian Việt Nam thời bấy giờ qua nét vẽ truyền thần sắc sảo. Cũng qua bức tranh, các nhà nghiên cứu sẽ có thêm một tư liệu sinh động về trang phục của một võ quan phong kiến cao cấp nhà Nguyễn”.

Với lợi thế nằm ngay TP.Tân An, đường đi thuận tiện, Khu di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức là một điểm đến quen thuộc của cả du khách phương xa và người dân bản địa. Hàng năm, vào ngày 7, 8, 9 tháng 9 Âm lịch, lễ Chu niên Quận công Nguyễn Huỳnh Đức được tổ chức một cách long trọng và trở thành một nét đặc sắc trong tín ngưỡng dân gian ở địa phương./.

Quế Lâm

_________________________________________

 (*) Chép từ Lời tựa sách ảnh Di tích Lịch sử - Văn hóa Lăng mộ và Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức

*Bài viết dựa vào: Hồ sơ di tích Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức (Bảo tàng - Thư viện tỉnh) và Di tích Lịch sử - Văn hóa Lăng mộ và sách ảnh Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức (Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng)

Bức chân dung cổ được vẽ năm 1802 (ảnh chụp lại từ sách ảnh Đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức - Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng)

Chia sẻ bài viết