Tiếng Việt | English

29/10/2024 - 10:19

Nông dân chuẩn bị trái cây, rau màu phục vụ tết

Thời điểm này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An bắt đầu chuẩn bị rau màu, trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Họ liên tục cập nhật tình hình thị trường để cân đối diện tích, số lượng gieo trồng và có ý thức trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản.

Hàng năm, anh Phan Minh Vũ (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) chủ động xử lý kỹ thuật để vừa bán khóm chưng tết, vừa bán khóm thường

Chuẩn bị “vào mùa”

Chị Nguyễn Kiều Hồng Huế (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) có kinh nghiệm trồng rau 8 năm. Trên diện tích 3.500m2, chị trồng rau húng, hành và quế. Hiện tại, giá rau húng từ 50.000-60.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao.

Gần tết, thời tiết phù hợp nên rau sinh trưởng nhanh, không cần phân bón, thuốc vẫn tươi tốt nên sản lượng tăng. Trong quá trình sản xuất, chị Huế không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ người đi trước, tham gia tập huấn, nhất là các lớp ứng dụng công nghệ cao.

Chị Nguyễn Kiều Hồng Huế (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) bên ruộng rau húng của mình

Mỗi năm, chị dành một phần diện tích để trồng hoa và dưa hấu bán dịp tết. Chị dự tính khoảng 15 ngày nữa sẽ ươm cây giống. Với 300-400 chậu vạn thọ, cúc, chị Huế có lợi nhuận gần 30 triệu đồng. Chị đang ủ phân để chuẩn bị trồng hoa. Chị ứng dụng kiến thức được tập huấn vào việc ủ và phối trộn tỷ lệ các thành phần (phân gà, xơ dừa,...) cho phù hợp, hiệu quả. Chỉ vào đám rau vừa mới cắt, chị Huế cho biết: “Tôi đang rải phân đám rau này, cắt đợt nữa là dọn đất để trồng hoa”.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, diện tích trồng rau được gieo trồng luân phiên trên địa bàn huyện khoảng 1.400-1.700ha. Phòng phối hợp tổ chức tập huấn triển khai thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành Nông nghiệp và thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bằng nhựa trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn nông sản,...

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ đề ra kế hoạch thực hiện phục vụ nhu cầu trái cây, rau màu, dưa hấu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Diện tích một số loại cây trồng phục vụ tết như dưa hấu 60ha, dự kiến sản lượng 1.100 tấn; rau màu các loại 80ha, dự kiến sản lượng 1.400 tấn; thanh long 150ha xông đèn ra hoa trái vụ, dự kiến sản lượng 1.350 tấn; bưởi 52,8ha, dự kiến sản lượng 620 tấn;...

Phòng phối hợp các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện tổ chức 8 cuộc tập huấn về kỹ thuật bón phân, phòng trừ sâu, bệnh hại, biện pháp hạ giá thành sản xuất,... với hơn 410 lượt nông dân trồng thanh long dự; tổ chức 3 cuộc tập huấn về kỹ thuật canh tác cây bưởi theo hướng hữu cơ và giảm giá thành có 106 nông dân dự; phối hợp tổ chức 3 điểm trình diễn trồng mướp, bầu và dưa leo theo hướng sử dụng phân hữu cơ và thuốc phòng trị sâu, bệnh có nguồn gốc hữu cơ (mỗi điểm 0,5ha) và tổ chức 9 cuộc tập huấn kỹ thuật canh tác cây rau màu với hơn 220 lượt nông dân dự; phối hợp tổ chức 6 cuộc tập huấn kỹ thuật canh tác cây dưa hấu với 175 lượt nông dân dự.

Anh Đặng Hùng Lực (ấp Thạnh Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng dưa hấu. Anh vừa thu hoạch ruộng dưa hấu 4.000m2. Để chuẩn bị cho vụ tết, anh cuốn dây, dọn, xử lý đất, chuẩn bị cây giống,... Theo anh Lực, trồng dưa hấu thu nhập cao hơn lúa, mỗi 1.000m2 dưa hấu nếu trúng mùa, được giá, nông dân có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/mùa. Ngoài ra, anh còn hơn 7.000m2 rau màu các loại.

Phòng phối hợp các cơ quan chuyên môn tỉnh, huyện và UBND xã, thị trấn tổ chức triển khai, thực hiện các cuộc tập huấn về canh tác cây ăn trái, rau màu các loại để nâng cao kiến thức về canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hướng hữu cơ, biện pháp giảm giá thành sản xuất để nâng cao lợi nhuận trên đơn vị diện tích,...”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo

Hiện nay, các hộ nông dân, hợp tác xã, cơ sở trồng hoa lan, cây kiểng tập trung chăm sóc chuẩn bị tết. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên rau và tôm”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu

Thời gian tới, UBND xã sẽ theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch ứng phó và xử lý tình huống phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là cây chanh. Xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sản xuất an toàn, hiệu quả nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, tăng thu nhập cho nông dân và nâng tầm thương hiệu cây trồng địa phương, nhất là chanh và khóm”.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức) - Lê Anh Kiệt

Sản xuất theo tình hình thị trường

Anh Trần Văn Hòa (ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện anh có hơn 2.000 trụ thanh long, 500 gốc chanh (300 gốc đang cho trái), 500 gốc ổi (300 gốc đang cho trái), tổng diện tích 3 loại cây hơn 2ha.

Trước đây, anh trồng nếp, khi phong trào trồng thanh long ở huyện Châu Thành có hiệu quả thì anh chuyển sang loại cây này. Nhờ cần cù, chăm chỉ nên kinh tế gia đình anh ngày càng đi lên. Hàng năm, vào thời điểm này, anh chuẩn bị một số công đoạn cho vụ tết như cắt tàn, tỉa nhánh, xông đèn,...

Năm nay, anh vẫn làm những việc trên nhưng luôn theo dõi tình hình thị trường để đưa ra hướng sản xuất phù hợp. Do hiện tại, giá thanh long tại vườn xuống thấp (ngày 24/10/2024 khoảng 5.000 đồng/kg loại 1) nên anh hạn chế việc xông đèn, tránh lỗ vốn.

Vợ chồng anh Trần Văn Hòa (ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) đang tỉa nhánh thanh long chuẩn bị tết

Anh Hòa là nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng của xã Phú Ngãi Trị. Nhận thấy lượng thanh long trên thị trường quá nhiều, giá cả bấp bênh, anh và vợ (chị Lương Thị Hà) phá một phần diện tích thanh long và mang cây chanh từ xã Lương Bình (huyện Bến Lức) về trồng. Ngoài ra, anh còn trồng thêm ổi. Hiện tại, gia đình anh Hòa có nhiều nguồn thu, không quá lệ thuộc vào thanh long.

Thông tin từ Hội Nông dân xã Phú Ngãi Trị, tổng diện tích thanh long trên địa bàn xã là 484,5ha, giảm 167ha do chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Địa bàn xã có 13 tổ hợp tác, trong đó có 2 tổ được chứng nhận VietGAP. Nông dân xã được tỉnh, huyện hỗ trợ thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản của nông dân còn gặp khó khăn do “được mùa, rớt giá”.

Chị Lương Thị Hà (vợ anh Trần Văn Hòa, ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) bên vườn ổi nhà mình

Anh Phan Minh Vũ (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) có kinh nghiệm trồng khóm gần 20 năm. Theo anh, khóm là cây trồng đặc trưng của nông nghiệp Bến Lức. Cây khóm chịu phèn, đất càng phèn, khóm càng ngọt. Do đó, nông dân trồng vài năm phải làm đất lại để “dậy phèn”. Sau khi trồng gần 1 năm, nông dân xử lý kích trái lần đầu. Từ ngày xử lý trái đến thu hoạch là 4 tháng 10 ngày. Sau thu hoạch 2-2,5 tháng có thể xử lý kích trái lần 2. Thời gian sinh trưởng của bụi khóm khoảng 4 năm. Gần 20 năm qua, năm nào anh Vũ cũng có lãi.

Những năm trước, anh Vũ xử lý kỹ thuật để vừa có khóm chưng tết, vừa có khóm thường. Nhưng năm nay, nhận thấy thị trường không ổn định nên anh tập trung vào khóm thường. Để chuẩn bị cho vụ khóm tết, từ 20/8 Âm lịch, anh Vũ xử lý kích trái. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 2ha chanh, mang lại thu nhập khá. Thông tin từ UBND xã Thạnh Lợi, hiện toàn xã có 1.925ha chanh, 355ha khóm (nhiều nhất huyện).

Nhờ có kinh nghiệm lâu năm và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng mà tình hình sản xuất của nhiều nông dân khá thuận lợi. Chuẩn bị rau màu, trái cây cho thị trường tết là việc làm thường niên, nông dân ngày càng chú trọng bảo đảm vệ sinh, an toàn nông sản. Họ cũng nhạy bén hơn trong việc theo dõi thị trường nhằm đưa ra hướng sản xuất phù hợp./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết