Trong 10 năm trở lại đây, năm nay là năm đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Điều này tác động không nhỏ đến nền kinh tế đất nước. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Vì vậy, mức tăng trưởng âm này đã phản ánh phần nào cuộc sống ngày càng khốn khó của người nông dân ĐBSCL.
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2016, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm tới 0,18%. Lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt khoảng 3%. Như vậy, kể từ năm 2005 đến nay, đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.
Nông dân Bình Minh - Vĩnh Long sáng chế ra phương pháp tưới khoai lang
Một trong những nguyên nhân tác động xấu đến ngành nông nghiệp nước ta là do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài làm thiệt hại đến trồng trọt và nuôi trồng thủy, hải sản. Theo đó, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL làm gần 222.000 ha lúa, hơn 6.500 ha rau màu, 26.500ha cây ăn trái và cây công nghiệp bị thiệt hại. Có khoảng 225.800 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua tại ĐBSCL gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, hiện tượng biến đổi khí hậu mặc dù đã được dự báo từ lâu, chứ không phải bất thường, nhưng do chủ quan của các bộ, ngành, địa phương nên khi xảy ra, thiệt hại càng nặng nề. Đã đến lúc, người dân và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần thay đổi tư duy về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Hạn, mặn, thiếu nước ngọt và kém phù sa ở ĐBSCL không thể là hiện tượng bất thường mà nó sẽ kéo dài. Cho nên gần đây nó xảy ra như vậy có phải là điều kiện thay đổi bất thường nó sẽ trở thành bình thường trong tương lai. Vừa qua nó làm cho một số tỉnh chuẩn bị có những cải cách khi bị gặp khó khăn đã làm chậm đà phát triển kinh tế”- ông Thiên lưu ý.
Tuy nhiên, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, nền tảng kinh tế của ĐBSCL là nông nghiệp. Nhưng việc đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Do vậy, mọi tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đều để lại hậu quả lớn cho nền kinh tế vùng.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, hạ giá thành sản xuất.
“Nền tảng cho nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều. Do vậy một yếu tố bất thường nào đó tác động vào làm cho nông nghiệp tăng trưởng âm là điều bình thường. Và điều này cho thấy lỗ hổng trong chính sách đầu tư và những khiếm khuyết đầu tư trong vùng. Chính phủ cần quan tâm cấu trúc lại đầu tư cho ĐBSCL, đặc biệt là đầu tư cho ngành hỗ trợ cho nông nghiệp. Phân bổ lại nguồn lực toàn vùng”- ông Dũng nói.
Đóng góp của ngành nông nghiệp đối với xã hội còn tương đối lớn nhưng đầu tư cho nông nghiệp còn thấp. Do đó, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường kinh tế hợp tác, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Ngọ, chuyên gia Kinh tế - Kỹ thuật, Công ty Bùi Văn Ngọ cho rằng, cần ứng dụng cơ giới hóa cũng như chế biến sâu để tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng. Có như vậy, ĐBSCL mới tạo được thương hiệu tốt, đáp ứng thời kỳ hội nhập; đồng thời, khôi phục lại mạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại - Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết, để vực dậy ngành nông nghiệp, cần chú ý đến giá trị gia tăng của sản phẩm; chú trọng sản xuất ra sản phẩm, mặt hàng có giá trị cao để xuất khẩu.
Nông nghiệp tăng trưởng âm đặt ra yêu cầu cấp bách về tái cấu trúc nền kinh tế ở ĐBSCL. Thực trạng này đang dẫn đến sự di chuyển lao động, phân bố lại lao động cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, làm thay đổi bức tranh kinh tế của vùng. Trước mắt, tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp có thể làm xáo trộn về tâm lý, nhưng nó sẽ góp phần phân bổ hợp lý hơn các nguồn lực ở khu vực ĐBSCL./.
Hữu Trãi/VOV