Mới đây, trong chương trình “ Nhịp cầu báo chí số 14-Rủi ro tiềm ẩn từ dự án chuyển nước sông Mekong tới ĐBSCL” Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang khởi động lại các dự án quy mô lớn chuyển nước sông Mekong sang lưu vực các con sông khác. Mà động thái dễ thấy nhất là đầu năm 2016 nước này đã khởi động việc bơm nước tại các tỉnh Nong Khai và Loei. Trong khi đó quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang ráo riết đầu tư vào các dự án tưới tiêu theo hướng lấy nước hoặc giữ nước từ sông Mekong nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện tượng biến đổi khí hậu, cùng với các dự án chuyển nước ở thượng nguồn tiềm ẩn mối hiểm họa thiếu nước trầm trọng của ĐBSCL ( Ảnh minh họa).
Nằm ở cuối nguồn lưu vực sông Mekong, ĐBSCL của Việt Nam trong mùa khô 2015-2016 đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong gần 1 thế kỷ qua. Ngoài tác động của EL Nino cực đoan thì tác động tích lũy ban đầu của các dự án phát triển (thủy điện, lấy nước, chuyển nước) ở vùng thượng lưu sông Mekong cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu vực ĐBSCL.
Nhu cầu nước lớn
Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia quản lý lưu vực sông cho biết lưu vực sông Mekong có diện tích khoảng 795.000 km2 với tổng dung lượng nước hàng năm là khoảng 475 tỷ m3. Tuy nhiên lượng nước phân bổ không đều theo không gian và thời gian. Trong tổng lượng nước hàng năm nói trên Trung Quốc chiếm 16%, Myanma 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18% và Việt Nam 11%.
Nông nghiệp là ngành sử dụng nước chủ yếu trong hạ lưu sông Mekong hiện nay và được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cụ thể, theo các kế hoạch phát triển kinh tế Thái Lan lần thứ X (2005-2010) và XI (2011-2016), tầm nhìn đến năm 2027 thì vùng Đông Bắc Thái Lan sẽ được định hướng trở thành trung tâm sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và nhiên liệu sinh học của cả nước. Theo đó, Thái Lan sẽ xây dựng mới và cải tạo hệ thống tưới tiêu, dẫn nước, và chuyển nước là vấn đề không thể tránh khỏi. Để phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp Đông Bắc, hiện Thái Lan đang có dự án chuyển nước sông Mekong sang lưu vực sông Chao Phraya qua hệ thống sông Kok-ing-nan. Bên cạnh đó còn nhiều dự án khác cũng nhằm vào mục đích chuyển nước sông Mekong như “Kong-chi-mun’, “Xanh hóa Isan”, “Mạng lưới nước”...
Thêm vào đó, dù là 2 nước không lớn, nhưng Lào và Campuchia đang trong giai đoạn mở rộng canh tác, nên nhu cầu nước tưới là rất lớn. Rõ ràng Việt Nam đang phải chịu áp lực rất không hề nhỏ từ việc nguồn nước bị cạn kiệt dần. Nếu các quốc gia ở thượng nguồn thực hiện các dự án án chuyển nước, ĐBSCL của Việt Nam sẽ phải gánh chịu những tác động tiêu cực.
Sẽ còn nhiều mùa hạn hán?
Việc các nước thượng lưu xây dựng các dự án lấy nước/chuyển nước là vấn đề đáng quan ngại cho ĐBSCL. Bà Đặng Thị Hà Giang, Chuyên gia Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho rằng: “Nhu cầu dùng nước của các lưu vực đã có kinh nghiệm. Trong khi việc chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực khác là cực kỳ nguy hiểm tác động mạnh nhất đến người dân ở lưu vực đó. Ở ĐBSCL, nếu ở thượng nguồn có chuyển nước, thì hạn hán và ngập mặn sẽ xảy ra khốc liệt. Nếu có lũ còn có thể sống chung, nhưng hạn mặn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Đánh giá về thiệt hại về kinh tế môi trường là rất lớn”.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chuyên gia Ủy ban Mekong Việt Nam cũng nhận định rằng ảnh hưởng của vấn đề này đến ĐBSCL là vô cùng nghiêm trọng. Trước hết là ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ngay tại vùng này, và lớn hơn nữa là tác động trực tiếp đến an ninh nước, an ninh lương thực và thậm chí là cả kinh tế của Việt Nam. Nếu không có những hướng đi rõ ràng, việc Việt Nam phải phụ thuộc vào nguồn nước của Trung Quốc xả xuống là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Giải pháp nào cho bài toán chuyển nước?
Nhiều đại biểu cho rằng trước nay Việt Nam đang quá quan tâm tới vấn đề thủy điện mà chưa có một sự nhìn nhận đúng mực về tác động của việc chuyển nước ở các nước thượng nguồn tới ĐBSCL.
Ông Toàn cũng nhận định chúng ra cần phải đặt ra bài toán giữa vấn đề thủy điện và chuyển nước. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền hiểu biết về lưu vực sông Mekong, để nhận ra rằng chúng ta đang ở thế nguy hiểm. Đặc biệt cần có một sự chia sẻ, liên kết các bên cùng có lợi giữa 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Capuchia, Thái Lan trong việc khai thác nguồn nước từ sông Mekong. “Bài toán về chia sẻ lợi ích ở đây không chỉ là anh kiếm được vài đồng thì cũng phải chia cho tôi 1 đồng. Vấn đề chia sẻ nên được hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau”. Ông lấy ví dụ, như Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp nhân lực cho bên Lào, bên cạnh đó, Lào giảm những tác động xấu về môi trường cho Việt Nam.
Hơn thế nữa, cần có một sự cam kết chính trị rõ ràng trong vấn đề chuyển nước và trên hết Ủy hội sông Mekong cần có sự hợp tác, lồng ghép với các tổ chức khác như GMS, ASEAN... cân bằng lợi ích giữa các quốc gia trong vấn đề nguồn nước.
Việt Nam cũng cần tận dụng hơn nữa các hội nghị quốc tế với các nước láng giềng để đàm phán, chia sẻ về vấn đề an ninh nước trong các chương trình này./.
CTV Nguyễn Trang/VOV.VN