Tiếng Việt | English

05/01/2016 - 09:33

Nông nghiệp ven đô hướng đi bền vững

Trong những năm qua, bên cạnh việc đầu tư phát triển đô thị, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP.Tân An, tỉnh Long An vẫn xem nông nghiệp là một trong những chỗ dựa vững chắc cho phát triển kinh tế. Và trong xu thế hội nhập với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng thì việc phát triển nông nghiệp ven đô trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sử dụng ít đất, ít lao động, tận dụng không gian, tạo cảnh quan đô thị là hướng đi bền vững.


Duy trì phát triển nông nghiệp ven đô sẽ đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm cho cư dân đô thị

Tiền đề phát triển nông nghiệp ven đô

Nền nông nghiệp của TP.Tân An là nền nông nghiệp đô thị, diện tích canh tác hẹp nhưng nhu cầu tiêu thụ nông sản rất lớn. Hiện nay, đất nông nghiệp của TP.Tân An chỉ còn trên 4.700ha. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là thành phố phải nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ven đô với công nghệ cao, tìm ra những cây - con tạo giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.

Để thích ứng với yêu cầu này, thời gian qua, nhiều nông dân thành phố chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, nhiều mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, thành phố vẫn duy trì và phát huy những cây trồng, vật nuôi chủ lực như: Mô hình trồng và kinh doanh cây cảnh, trồng và ghép mai kiểng, trồng hoa lan, trồng rau trong hộp xốp, sản xuất lúa giống, chăn nuôi bò sữa,... với sản lượng ngày càng dồi dào phục vụ nhu cầu đa dạng sản xuất và đời sống của cư dân đô thị.


Mô hình trồng rau sạch ở phường Khánh Hậu cho hiệu quả kinh tế cao

Điển hình như anh Hồ Nhuận Đăng Sơn, ở phường 7, TP.Tân An, thấy được nhu cầu nuôi cá cảnh là một trong những hình thức trang trí, giải trí đang được người dân ở TP.Tân An và nhiều địa phương khác, nhất là khu vực đô thị yêu thích; năm 2013, anh mạnh dạn phát triển diện tích ao nuôi cá kiểng của mình và mở rộng cửa hàng cung cấp cá kiểng ở phường 1, TP.Tân An để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay, cơ sở của anh nuôi đầy đủ các loại cá như: Hòa Lan, Trân Châu, Bình Tích, Chép Nhật,… nhưng chủ lực vẫn là những loại cá cao cấp như cá dĩa, thu nhập ổn định trên 250 triệu đồng/năm.

Trước nhu cầu bức thiết của việc sản xuất thực phẩm an toàn, nông dân ngày càng quan tâm hơn đến việc sử dụng các loại giống mới chất lượng cao, các mô hình trồng rau có phủ bạt hay dùng các chế phẩm sinh học ngày càng phổ biến. Nhiều hộ trồng rau ở phường Khánh Hậu đang thực hiện sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn, từng bước tạo dựng được những thương hiệu uy tín.

Ông Trần Văn Minh, ở khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu là một điển hình nông dân sản xuất thực phẩm theo hướng an toàn. Ông cho biết: “Từ khi được địa phương hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, tôi mạnh dạn chuyển từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau màu theo hướng rau an toàn, thu nhập được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, với gần 1ha trồng rau màu, tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”.

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã giải quyết những khó khăn của nền kinh tế nông nghiệp, đời sống người dân nông thôn ngày càng nâng lên.


Ông Trần Văn Minh, khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, TP. Tân An gắn bó với mô hình trồng rau an toàn trong nhiều năm qua

Hạn chế phát triển tự phát

Với điều kiện phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay, nông dân thành phố thật sự nhạy bén trong việc sản xuất an toàn, chăn nuôi theo mô hình trang trại sạch, khép kín, có thiết bị làm mát, chống tiếng ồn và có chế độ vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh chặt chẽ. Tuy nhiên, khái niệm về nông nghiệp ven đô vẫn còn khá mới ở TP.Tân An. Trên thực tế, nhiều mô hình nông nghiệp vẫn còn phát triển một cách tự phát, các chính sách về nông nghiệp đô thị và nông nghiệp ven đô còn thiếu và chưa đồng bộ.

Phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng nông nghiệp ven đô là một quá trình cần có nhiều thời gian. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp thành phố phải thực hiện đồng bộ tất cả giải pháp trên cơ sở từng giai đoạn sẽ có những giải pháp mới, phù hợp với thực tiễn.

Nông nghiệp ven đô là nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa cung cấp cho khu vực đô thị. Nó có ý nghĩa rất quan trọng với khu vực này, vì đây là nơi cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm chính cho cư dân đô thị. Ngoài ra, những thú chơi sinh vật cảnh của người dân thành phố, cũng do nông nghiệp ven đô cung cấp một phần.

Quyền Trưởng phòng Kinh tế TP.Tân An - Nguyễn Thị Mười cho biết, thành phố sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch thực hiện cho từng xã, phường và mục tiêu phấn đấu cho từng năm. Để phát triển nông nghiệp ven đô một cách bền vững trong tương lai, TP.Tân An sẽ tổ chức sản xuất nông nghiệp tại khu vực đô thị, duy trì hoạt động nông nghiệp ở vùng ven đô vì đây là vấn đề quan trọng để xây dựng thành công nền nông nghiệp ven đô.


Trồng và kinh doanh sinh vật cảnh một trong những mô hình nông nghiệp phát huy hiệu quả ở TP. Tân An

Theo kế hoạch định hướng phát triển đến năm 2020, giá trị sản xuất các mô hình nông nghiệp ven đô ở TP.Tân An là 1.468 tỉ đồng, tăng 590 tỉ đồng so với năm 2013; tốc độ tăng bình quân 7,62%/năm. Đến năm 2030, giá trị sản xuất các mô hình nông nghiệp ven đô 1.819 tỉ đồng, tăng 351 tỉ đồng so với năm 2020; tốc độ tăng bình quân 2,17%/năm. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Đề án phát triển nông nghiệp ven đô TP.Tân An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên 1.598 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2013-2015 cần trên 473 tỉ đồng, giai đoạn 2016-2020 cần gần 1.125 tỉ đồng.

Việc xây dựng, phát triển thành công mô hình nông nghiệp ven đô không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan đô thị, tăng thêm không gian xanh. Từ đó, góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và phát triển TP.Tân An trở thành trung tâm khoa học - kỹ thuật của tỉnh, nâng cao hiệu quả các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với sản xuất, đời sống nhân dân, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế của tỉnh./.

Hữu Bằng - Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích