Nhiều năm chịu đựng mùi hôi
Có mặt tại khu vực cặp đường Châu Thị Kim, ấp Vĩnh Bình vào buổi trưa, mùi hôi từ trang trại chăn nuôi gà của ông Hội bốc lên nồng nặc, phát sinh nhiều ruồi. Một số hộ dân xung quanh bức xúc việc trang trại của ông Hội tồn tại trong khu dân cư nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục hộ dân trong khu vực, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Trang trại chăn nuôi gà của ông Đỗ Văn Hội
Bà Đoàn Thị Ngọc Bích, công tác tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, hiện sống gần trang trại chăn nuôi gà, cho biết: Trại gà của ông Hội tồn tại nhiều năm qua, gây mùi hôi thối và phát sinh nhiều ruồi làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của những hộ dân xung quanh. Là bác sĩ, tôi hiểu rõ về hậu quả việc hít thở mùi hôi, lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp, dị ứng, ngứa của người dân khu vực khi đến khám bệnh tại phòng khám của tôi. Trước tình trạng trên, chúng tôi nhiều lần kiến nghị đến cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Chị Nguyễn Thị Nga, nhà gần đó, bức xúc: “Trang trại nuôi cả chục ngàn con gà, mùi hôi nồng nặc và làm phát sinh nhiều ruồi, ảnh hưởng đến những hộ xung quanh. Gia đình tôi, đến bữa cơm phải chui vào mùng ăn để tránh ruồi”.
Kiểm tra nhiều lần vẫn chưa khắc phục
Ngày 21/10/2016, UBND TP.Tân An nhận được Công văn số 2812 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc bà Bích cùng các hộ dân sống xung quanh khu vực phản ánh trang trại gà của ông Hội nuôi khoảng 15.000 con gà, trong quá trình chăn nuôi gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều ruồi, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của nhiều hộ dân.
UBND TP.Tân An chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND xã An Vĩnh Ngãi kiểm tra thực tế. Tại thời điểm kiểm tra, ông Đỗ Văn Hội nuôi khoảng 7.000 con gà đẻ với 5 dãy chuồng, trong đó có 2 dãy chuồng cặp sát đường Châu Thị Kim với số lượng khoảng 2.000 con gà.
Được biết, năm 2015, UBND TP.Tân An yêu cầu ngưng việc chăn nuôi cặp đường Châu Thị Kim. Tuy nhiên, việc chế tài chưa đủ mạnh nên ông Hội vẫn ngang nhiên tiếp tục sử dụng các dãy chuồng cặp sát đường để nuôi gà.
Qua đó, đoàn kiểm tra yêu cầu chủ trang trại phải che chắn kín 2 dãy chuồng cặp đường Châu Thị Kim và phải xử lý bằng vi sinh, phun thuốc khử trùng, diệt ruồi thường xuyên để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ngày 21/6/2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an TP.Tân An, UBND xã An Vĩnh Ngãi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại trang trại gà của ông Đỗ Văn Hội. Qua kiểm tra, trại có khoảng 8.000 con gà đẻ với 4 dãy chuồng, trong đó có 1 dãy chuồng cặp đường Châu Thị Kim nuôi với số lượng khoảng 1.800 con gà. Đoàn yêu cầu, ông Hội không được tái đàn cặp đường Châu Thị Kim, đồng thời phải di chuyển toàn bộ số gà vào bên trong cách đường Châu Thị Kim 50m để không làm ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Công văn số 1388 của UBND TP.Tân An nêu rõ, thời gian tới, UBND TP.Tân An giao UBND xã An Vĩnh Ngãi thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung theo yêu cầu của đoàn kiểm tra đối với trang trại của ông Hội; trường hợp, phát hiện hộ chăn nuôi tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, UBND xã khẩn trương phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường giải quyết, xử lý kịp thời theo quy định.
Chủ tịch UBND xã An Vĩnh Ngãi - Lê Văn Việt cho rằng, việc người dân ấp Vĩnh Bình phản ánh hộ ông Hội chăn nuôi gà đẻ gây ô nhiễm môi trường được UBND xã tiếp nhận, xã hòa giải không dưới 3 lần và hộ ông Hội hứa khắc phục mùi hôi, cam kết di dời chuồng. Tuy nhiên, ông Hội không chấp hành cam kết.
Khi hỏi, việc ông Hội được phê duyệt quy hoạch khu đất làm trang trại chăn nuôi trong khu dân cư như vậy liệu có đúng quy định, ông Việt cho rằng: UBND xã gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp hộ chăn nuôi của ông Hội nhằm tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường tại địa phương. Còn việc cấp phép xây dựng trang trại chăn nuôi trong khu dân cư có đúng quy định hay không là do các cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định”.
Được phép xây dựng chuồng trại chăn nuôi trong khu dân cư?!
Vấn đề đất sử dụng để làm kinh tế trang trại được quy định rõ tại Điều 142 Luật Đất đai năm 2013. Như vậy, việc xây dựng chuồng, trại chăn nuôi trong khu dân cư là hoàn toàn không cấm. Tuy nhiên, tình trạng các trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Bên cạnh đó, địa phương chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi. Vấn đề bảo vệ môi trường trong chăn nuôi được quy định rõ tại khoản 1, Điều 68 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Như vậy, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là hộ kinh doanh chăn nuôi phải xử lý chất thải. Nếu không bảo đảm các yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hành vi vi phạm của hộ gia đình kinh doanh chăn nuôi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý vi phạm hành chính./.
Hùng Anh