Tiếng Việt | English

23/02/2016 - 09:39

Ôn thi đại học qua Facebook

Với tinh thần học hỏi lẫn nhau, các sĩ tử đã biến các trang trên Facebook trở thành diễn đàn học tập bổ ích, cùng nhau bàn luận sôi nổi về các bài tập trong chương trình ôn luyện, phương pháp ôn thi hiệu quả. Chỉ cần sĩ tử ngồi nhà lướt Facebook đăng câu hỏi, đề thi thì lập tức bạn bè ở khắp nơi hướng dẫn cách giải, sửa bài, trao đổi kinh nghiệm làm bài,…

Nở rộ phong trào ôn thi đại học qua Facebook

Từ khi mạng xã hội nói chung và diễn đàn Facebook nói riêng phát triển, thì các Fanpage cũng nở rộ. Khi kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) sắp đến, chỉ cần gõ cụm từ “luyện thi ĐH qua Facebook” thì xuất hiện rất nhiều trang như: Hội những người ôn thi ĐH khối A, Hội những người ôn thi ĐH môn Ngữ Văn, Quyết tâm thi đậu ĐH, Ôn thi ĐH cùng thủ khoa ĐH,… với hàng ngàn lượt like (thích).

Theo tìm hiểu, khi tham gia các hội luyện thi trên Facebook thì sĩ tử chỉ cần đăng một bài tập hóc búa hay một nội dung nào đó chưa nắm rõ lên trang của nhóm thì ngay lập tức sẽ nhận được chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những lời giải mọi thắc mắc, đưa ra cách giải nhanh nhất, nhờ đó người luyện thi tha hồ chọn lựa, rút ra kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân.


Một số trang ôn thi ĐH trên Facebook (ảnh chụp màn hình)

Bạn Bùi Thanh Thúy (học sinh lớp 12, Trường THPT Long Thượng – Cần Giuộc, Long An) chia sẻ: “Đây có thể nói là ưu điểm lớn nhất mà mạng xã hội đem lại cho các sĩ tử và gia đình. Bởi nó không chỉ hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, mà còn giảm chi phí trong việc ôn thi ĐH, hơn hết nó đảm bảo cho tụi em sức khỏe trong quá trình ôn luyện. Nếu như trước đây các sĩ tử muốn ôn thi ĐH thì phải chạy tới chạy lui từ trung tâm này qua trung tâm khác, thì bây giờ tụi em chỉ cần ngồi nhà lên mạng xã hội là có thể ôn thi”.

Khi tham gia các lớp ôn luyện trên Facebook thì các sĩ tử cần tuân thủ một số quy định do nhóm luyện thi đặt ra. Ví dụ như: “Hội những người luyện thi ĐH môn Văn” thì nội dung đăng lên trong nhóm phải liên quan đến các vấn đề của Ngữ Văn, viết đúng tên tác giả, tác phẩm, phải viết đúng chính tả và có dấu. Không chỉ có các sĩ tử luyện thi ĐH mới tham gia trao đổi mà còn có rất nhiều sinh viên, thủ khoa, thầy cô tham gia để giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Khi tham gia các trang luyện thi này nhiều sĩ tử cảm thấy rất thoải mái, không bị gò bó khi việc trao đổi, thảo luận trên các trang này rất sôi nổi, vui vẻ.

Bạn Nguyễn Tuấn Khánh (học sinh lớp 12, Trường THPT Cần Giuộc – Long An) cho biết: “Ngay từ bây giờ em tham gia nhóm thi ĐH cùng khối để trao đổi là vừa. Khi tiếp cận nhóm ôn thi, em có thể xem được nhiều bộ đề thi các năm trước. Đây thực sự là nguồn kho báu tài liệu, các sĩ tử có thể dễ dàng tiếp cận trong thời đại công nghệ”.

Nên coi kiến thức ôn thi trên Facebook chỉ để tham khảo

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, bên cạnh những ưu điểm của việc ôn thi qua Facebook thì nó cũng đem lại không ít phiền toái cho người tham gia. Một thành viên trong “Hội những người quyết tâm thi đậu ĐH” có biệt danh MR.Huy trên Facebook chia sẻ: “Khi xác định ôn thi ĐH qua Facebook thì các học sinh cần có bản lĩnh. Bởi khi học trên mạng xã hội rất cần tính tự học và phải biết chọn lọc thông tin. Học trên mạng cũng như đi chợ, phải biết chọn lựa kiến thức phù hợp để “mua” về, chứ không nên học một cách tùy tiện”.

Chất lượng của chương trình học thông qua mạng xã hội cùng những người “thầy ảo” đang là dấu chấm hỏi lớn chưa được giải đáp. Một khi đã lên Internet, nhất là việc vào các trang mạng xã hội, khiến không ít các sĩ tử khó mà tập trung vào việc học khi mà hàng loạt lời mời chơi game, trạng thái của bạn bè luôn được cập nhật,…Đây cũng là điểm mà các sĩ tử cũng như phụ huynh cần chú ý khi con em mình luyện thi qua mạng nói chung hay Facebook nói riêng.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Hồng Thiên (giáo viên dạy Hóa, Trường THPT Cần Giuộc - người có thâm niên gần 20 năm ôn thi ĐH) cho biết: “Bên cạnh những ưu điểm tuyệt vời về sự nhanh chóng, tiện lợi để học sinh luyện thi ĐH qua mạng xã hội thì nó cũng gặp phải nhiều hạn chế. Đó là những người “thầy” trên mạng xã hội hầu hết là sinh viên nên những kiến thức mà các bạn chia sẻ mang hình thức là trao đổi kinh nghiệm chứ không phải là trang bị, là kiến thức chính thống”.

Thầy Nguyễn Thanh Tiến (giáo viên dạy Ngữ Văn, Trường THPT Long Thượng) có lời khuyên: “Việc ôn thi ĐH thông qua Facebook không hẳn là không tốt. Tuy nhiên phải biết cách chọn lọc. Ngoài ra, mỗi ngày các em học sinh hãy tự đặt ra khung giờ để lên Facebook luyện thi. Không nên sa đà vào các hội nhóm khác, nhắn tin với bạn bè. Để đạt kết quả cao nhất thì hơn hết cần sự hướng dẫn, giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè trong việc trang bị kiến thức ôn thi”./.

Duy Phong

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích