Tiếng Việt | English

09/02/2016 - 10:06

Phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm

Để bạn đọc có thêm thông tin về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2016, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, phóng viên (PV) có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP - Phạm Văn Đấu về vấn đề này.

 

Ngành chức năng phối hợp kiểm tra ATVSTP trong tết (Ảnh: Mai Hương)

PV: Xin ông cho biết, để bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2016, tỉnh tiến hành những công việc nào?

Ông Phạm Văn Đấu: UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về VSATTP xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2016 từ ngày 20-12-2015 đến hết ngày 20-3-2016, với mục tiêu chung là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc quản lý tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân trong các dịp lễ, tết, bảo đảm cho nhân dân vui tết và lễ hội khỏe mạnh, an toàn.

Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra tuyến tỉnh (gồm đoàn kiểm tra liên ngành của ngành Y tế, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đội Quản lý thị trường của ngành Công Thương), 15 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện và 192 đoàn kiểm tra liên ngành tuyến xã. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra liên ngành số 5 của Trung ương cũng đến Long An để kiểm tra về công tác bảo đảm ATTP.

Đối với người tiêu dùng, chúng tôi tập trung hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn, cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm, cách chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn; kiên quyết không mua và sử dụng những sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu bị ôi, thiu, mốc, hỏng; kịp thời báo với cơ quan chức năng khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chúng tôi hướng dẫn các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm; các quy định về cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, quy định về khám sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm,…

Đối với nhà lãnh đạo, quản lý, chính quyền các cấp, chúng tôi thông tin về các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác quản lý ATTP.

PV: Vậy, những cơ sở vi phạm về ATVSTP sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Văn Đấu: Căn cứ Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ, những cơ sở vi phạm về chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATVSTP sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền từ 80%-100% tổng giá trị thực phẩm đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn chưa qua kiểm tra thú y, nhưng số tiền không quá 100 triệu đồng; phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm, sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, chết, sử dụng nguyên liệu có chứa tạp chất không an toàn để đưa vào sản xuất thực phẩm; phạt tiền từ 30-40 triệu đồng khi sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục cho phép. Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng khi sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết