Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Ngày 11/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2019.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội nghị.
Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều nhất trí cao với Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, góp phần triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2019.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá sáu tháng đầu năm 2019, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác năm 2019 đề ra và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, góp phần tăng cường vai trò, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế-xã hội.
Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thành và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiều đề án lớn, quan trọng theo nhiệm vụ được giao, tham gia xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng; làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, công tác thẩm định, tham gia ý kiến, theo dõi, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, phối hợp công tác với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, hoạt động đối ngoại, hợp tác nghiên cứu kinh tế quốc tế.
Ban Kinh tế Trung ương cũng đã tổ chức thành công các sự kiện lớn tiêu biểu, có hiệu quả cao và sức lan tỏa trong xã hội như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019...
Ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc, sự nỗ lực, phấn đấu của các cán bộ, công chức Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị, toàn thể cán bộ, công chức và người lao động của Ban cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong sáu tháng cuối năm 2019, trong đó tập trung hoàn thành các đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế Công nghiệp 4.0 lần thứ 3 với chủ đề "Diễn đàn Quốc gia về chuyển đổi số năm 2019;" tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong đó trọng tâm là hoàn thành cơ bản hệ thống quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.
Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô, định kỳ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác giám sát thực hiện Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế-xã hội; tổ chức nghiên cứu, đề xuất một số mô hình phát triển kinh tế bền vững, hiệu quả đến năm 2025; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế; tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, cộng tác viên để huy động tốt nhất kinh nghiệm và nguồn trí tuệ, chất xám trong nước và quốc tế, góp phần phát huy vai trò của Ban Kinh tế Trung ương trong tham mưu hoạch định chiến lược các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong sáu tháng đầu năm 2019, các nội dung công tác của Ban Kinh tế Trung ương được tích cực triển khai. Việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư được các đơn vị, nhóm công tác chủ động thực hiện. Công tác phối hợp nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng các báo cáo được thực hiện hiệu quả.
Tiếp nối các kết quả nghiên cứu năm 2018, đầu năm 2019 Ban Kinh tế Trung ương đã hoàn thiện, trình Bộ Chính trị Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" để ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đến năm 2020; hoàn thành xây dựng Đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” và Đề án “Tổng kết 10 năm 2006-2016 việc thực hiện một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững" để trình Bộ Chính trị họp, dự kiến cho ý kiến vào tháng 7/2019; Đề án "Chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến vào tháng 8/2019.
Ban chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, xây dựng các đề án được giao trình Bộ Chính trị năm 2019: Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;” Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2020;" Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị khóa X về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020;” Đề án “Tiến tới xây dựng bộ tiêu chí về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta;” Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020;” Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”...
Căn cứ nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã tích cực tham gia xây dựng các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề cương chi tiết quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 để gửi Tiểu ban Kinh tế-xã hội tổng hợp, trình Hội nghị Trung ương 10 khóa XII.
Trên cơ sở dự thảo đề cương đã được Hội nghị Trung ương 10 khóa XII thông qua, Ban Kinh tế Trung ương triển khai đánh giá kết quả (mặt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân) về thực hiện quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2001-2020 và hoàn thiện hệ thống quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.../.
Theo TTXVN