Tiếng Việt | English

28/11/2016 - 09:41

Phát triển nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường

Phát triển sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế chung của tỉnh Long An. Nông nghiệp phát triển góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, giúp xóa nghèo, cải thiện mức sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt, vấn đề môi trường nhiều nơi gây bức xúc cho người dân, ngày càng đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và môi trường nông thôn.


Thu gom rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ môi trường

Môi trường đang "gánh chịu" nhiều loại chất thải

Tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp, sau đó không thu gom, xử lý bao bì đúng cách, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sau khi sử dụng thuốc BVTV phục vụ sản xuất, chỉ một số ít nông dân ý thức được việc vứt bỏ chai, túi đựng thuốc BVTV ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nên đem đi chôn, còn đa số người dân vẫn có thói quen quăng ngay tại ruộng, vườn.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Hậu, TP.Tân An - Lê Văn Thật cho biết: "Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Hội Nông dân phối hợp các đoàn thể thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách các loại bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng,...".

Việc xây dựng những mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV cũng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại nhiều địa phương như: Thủ Thừa, Bến Lức, TP.Tân An, Tân Trụ,... xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với thu gom bao bì các loại thuốc BVTV đã sử dụng, từng bước khắc phục thói quen xả thải phế phẩm nông nghiệp bừa bãi. Để ngăn chặn, hạn chế việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch, một số mô hình được nghiên cứu và triển khai như: Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ ngay tại ruộng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất; mô hình trồng nấm rơm ở Tân Trụ, Thủ Thừa bằng phương pháp phủ rơm, rạ;...


Nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường

Về công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong chăn nuôi, các ngành chức năng thường xuyên phối hợp các xã, thị trấn tổ chức đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển KT-XH và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm; vận động người dân đầu tư các nguồn lực để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như nuôi heo trên nền đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ khí sinh học biogas để xử lý chất thải, giảm ô nhiễm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời, phổ biến rộng rãi việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm mùi hôi thối, diệt khuẩn có hại và tăng khả năng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Trong lĩnh vực thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi, nhất là quy trình chuẩn bị ao nuôi. Tại các địa phương phát triển nuôi thủy sản, nhiều câu lạc bộ, hội nghề nghiệp được thành lập nhằm nâng cao trách nhiệm và tính cộng đồng trong việc BVMT nguồn nước vùng nuôi. Hiện nay, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản theo quy trình VietGAP đã và đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Để BVMT bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đối với ngành trồng trọt, cần ứng dụng rộng rãi công nghệ IPM (công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp) trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép. Sau khi phun thuốc phải bảo đảm đúng thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường: "Nhằm giảm bớt ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, các cấp, các ngành cần phối hợp các địa phương tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư. Đối với nuôi trồng thủy sản, cần dựa trên các điều tra cơ bản về chất đất, chất nước của từng vùng trong địa bàn quản lý để có những quy định về đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp".

Mong rằng, các ngành chức năng cần thực hiện tốt các giải pháp BVMT như nêu trên để góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống, cũng như chất lượng môi trường trong nông nghiệp, nông thôn, giúp diện mạo nông thôn cả nước ngày càng trong sạch, tạo nền tảng vững chắc cho ngành nông nghiệp, từ đó góp phần làm cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.


Nông dân sản xuất theo chuẩn VietGap để ổn định đầu ra sản phẩm. Ảnh: Lê Huỳnh

Cần có những chính sách bảo vệ môi trường bền vững

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp cần được cải tiến theo hướng hữu cơ để bảo đảm sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp. Việc sử dụng thuốc BVTV, phân hóa học làm gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm. Trước tình hình này, việc phát triển nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao sẽ là hướng đi đúng đắn để nông nghiệp phát triển bền vững. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp chạy theo hướng tăng số lượng sản phẩm theo cách sử dụng nhiều phân bón, hóa chất BVTV dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn. Thay đổi theo hướng sản xuất gắn với BVMT là xu hướng mới hiện nay. Mặc dù vậy, trong trồng trọt theo một quy cách an toàn BVMT vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức. Để sản xuất, một lượng lớn phân bón, thuốc trừ sâu được người trồng sử dụng và không phải ai cũng dùng đúng kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này đang được dần thay đổi khi mô hình sản xuất rau an toàn xuất hiện.

Theo ông Trần Thanh Minh - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc), những năm trước đây, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại phân bón, thuốc BVTV và các chất kích thích sinh trưởng để tăng năng suất, sản lượng cây trồng đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển bền vững của ngành. Với việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn giúp nông dân kiểm soát được lượng phân bón, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh, dư lượng thuốc BVTV mà vẫn bảo đảm chất lượng, màu sắc của sản phẩm, trọng lượng đồng đều. Canh tác theo quy trình VietGAP giảm thiểu việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí đối với một số cây rau còn không sử dụng một hóa chất BVTV nào.

Ông Ngô Văn Tiện, thành viên hợp tác xã, cho biết thêm: "Khi tham gia sản xuất rau an toàn, chúng tôi biết cách sử dụng thuốc để hạn chế ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng thuốc cần phải có kiến thức nhất định để ngăn ngừa hoặc hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với chính bản thân người sản xuất, người tiêu dùng, cây trồng, vật nuôi và môi trường".

Việc phòng trừ sâu bệnh đúng yêu cầu kỹ thuật còn góp phần nâng cao ý thức BVMT, bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ nông nghiệp. Rau an toàn được người tiêu dùng đón nhận, tiêu thụ mạnh cho thấy phát triển trồng trọt gắn với BVMT là xu hướng tất yếu cần phải triển khai.

Ông Trần Văn Ngân (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) cho biết: "Trước đây, do thiếu thông tin và do chủng loại thuốc BVTV còn nghèo nàn nên nông dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV có độc tính cao, tồn lưu lâu trong môi trường. Ngày nay, nông dân thay dần bằng các loại thuốc BVTV thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường. Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy, số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng cũng tăng lên. Do đó, việc sử dụng thuốc BVTV đúng mục đích và đúng kỹ thuật sẽ mang lại hiệu quả tốt trong quản lý dịch hại cây trồng. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế tác hại của thuốc có thể gây nên đối với con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, đồng thời phát huy những mặt tích cực của nó thì khi sử dụng thuốc BVTV cần phải có kiến thức nhất định".

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để BVMT trong sản xuất nông nghiệp bền vững, không bị ảnh hưởng nặng do sự lạm dụng thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp trong tất cả các khâu của quy trình sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý đúng cách bao bì thuốc sau khi sử dụng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là điều cần thiết. Tuyên truyền triển khai mô hình VietGAP.

Bên cạnh đó, để BVMT trong sản xuất nông nghiệp thì cần ứng dụng rộng rãi công nghệ phòng trừ dịch hại tổng hợp trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất. Kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng những loại thuốc BVTV không có trong danh mục cho phép. Trong chăn nuôi, tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch tổng thể cho cả vùng nuôi, đưa các trang trại ra khỏi các khu dân cư. Phối hợp các lực lượng liên ngành trong kiểm tra, kiểm soát việc nhập lậu thuốc BVTV; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của những người sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.

Song Hồng-Hải Phong

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích