Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự lễ khai mạc hội nghị. (Ảnh: Phan Minh Hưng/Vietnam+)
Hội nghị có sự tham dự của 207 đại biểu của 23 đoàn Nghị viện các nước trong khu vực châu Á, cùng đông đảo các quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Đoàn Việt Nam do bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Sai Chhum, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia Nguon Nhel, Tổng Thư ký APA M.Reza Majidi đã có các bài diễn văn khai mạc hội nghị.
Trong các diễn văn này, các nhà lãnh đạo Campuchia - nước chủ nhà và đang giữ quyền Chủ tịch APA - đều nhấn mạnh hội nghị lần này là diễn đàn rất quan trọng để các nghị sỹ châu Á trao đổi quan điểm, kinh nghiệm, góp phần nâng cao quan hệ hợp tác, tìm ra các giải pháp để cùng nhau giải quyết những vấn đề của khu vực như suy thoái kinh tế, việc sụt giảm các nguồn viện trợ, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố, biến đổi khí hậu... , hướng tới thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng bền vững tại khu vực châu Á.
Đồng thời, các lãnh đạo Campuchia cũng bày tỏ hy vọng và tin tưởng hội nghị sẽ góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương, cũng như thúc đẩy các nước châu Á thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nghị quyết và tuyên bố được hội nghị lần này thông qua.
Sau Phiên họp Hội đồng Điều hành APA lần thứ hai và lễ khai mạc vào ngày 28/11, từ ngày 29/11-1/12, chương trình nghị sự của hội nghị APA-9 gồm các phiên họp toàn thể, phiên họp nữ nghị sỹ APA, phiên họp của Ủy ban thường trực về các vấn đề xã hội, Ủy ban đặc biệt về thành lập Nghị viện châu Á, Ủy ban thường trực về các vấn đề chính trị, Ủy ban thường trực về các vấn đề tài chính và nhân sự, Ủy ban thường trực về các vấn đề kinh tế và phát triển bền vững, Ủy ban dự thảo tuyên bố Siem Reap.
Hội đồng cũng sẽ thông qua Dự thảo Nghị quyết của các Ủy ban thường trực và phiên họp nữ nghị sỹ APA, xem xét ứng viên Tổng Thư ký APA tiếp theo và thông qua Dự thảo Báo cáo APA-9.
Lễ bế mạc Hội nghị sẽ diễn ra vào tối 1/12 tới.
Tại Hội nghị lần này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.
Trước đó, trong các ngày 26-27/9 vừa qua, APA cũng đã tổ chức Phiên họp Hội đồng điều hành lần thứ nhất và Phiên họp Ủy ban Thường trực về quy tắc tài chính và nhân sự tại thủ đô Phnom Penh nhằm chuẩn bị cho hội nghị được tổ chức tại Siem Reap lần này.
APA được thành lập năm 2006 với tiền thân là Hiệp hội Quốc hội châu Á vì Hòa bình (AAPP), được thành lập năm 1999.
Với 42 thành viên, APA được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình và hội nhập tại khu vực châu Á, thông qua cơ chế nghị viện.
Bên lề phiên khai mạc Hội nghị APA ngày 28/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có cuộc hội kiến song phương với bà Pany Yahthotu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào.
Quang cảnh buổi hội kiến. (Ảnh: Minh Hưng-Chanh Đa/Vietnam+)
Tại buổi hội kiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam rất vui mừng và đánh giá cao chuyến thăm Lào thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây.
Bà cũng nhấn mạnh Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp và tăng cường hợp tác với Quốc hội Lào, tăng cường trao đổi đoàn các cấp và tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm công tác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định phía Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với Lào để tổ chức thành công các sự kiện chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-2017).
Bà Tòng Thị Phóng cũng gửi lời chúc mừng Quốc khánh Lào (2/12/1975) và chuyển lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời Chủ tịch Quốc hội Lào thăm chính thức Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yahthotu đánh giá cao chuyến thăm Lào mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chủ tịch Quốc hội Lào khẳng định Quốc hội Lào sẽ tăng cường và mong muốn được tiếp tục hợp tác và trao đổi kinh nghiệm công tác với Quốc hội Việt Nam, thực hiện các chủ trương đã được lãnh đạo hai nước thống nhất tại chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Bà nhấn mạnh phía Lào sẽ tích cực phối hợp với Việt Nam để tổ chức thành công các sự kiện chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Lào cũng chuyển lời cảm ơn đến Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã luôn ủng hộ, hỗ trợ và giúp đỡ Lào trên mọi lĩnh vực, đặc biệt mới đây, Việt Nam đã hỗ trợ Lào 100 triệu USD để xây dựng tòa nhà Quốc hội Lào.
Chủ tịch Quốc hội Lào khẳng định, dự án sẽ được khởi công vào năm 2017; nhấn mạnh đây là một minh chứng nữa cho tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, là tấm gương cho các thế hệ tương lai hai nước tiếp tục vun đắp và củng cố.
Chủ tịch Quốc hội Lào đã nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và cho biết sẽ thăm chính thức Việt Nam trong thời gian sớm nhất, vào trước cuối năm nay hoặc sau cuộc gặp giữa Bộ Chính trị hai nước./.
TTXVN