Thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt NQ TƯ 6 sáng nay khi phân tích 2 NQ trong lĩnh vực y tế.
Giá thuốc VN thấp hơn nhiều nước
Phó Thủ tướng cho biết, trong y tế, lĩnh vực dược là vấn đề rất lớn. Thị trường dược VN có quy mô tới 4,2 tỉ USD/năm, chi BHYT gần 40.000 tỉ đồng, chiếm 41% chi BHYT và 49,7% tổng chi y tế.
Theo Phó Thủ tướng, đây là mặt hàng không mặc cả, nên giờ chỉ cần tổ chức lại, tiết kiệm 10% là có 400 triệu đô.
Để ổn định giá thuốc, 5 năm qua, VN đã kiên trì đấu thầu thuốc tập trung.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
“Đây là cuộc cọ sát rất lớn về lợi ích. Trước đây cho đấu thầu từng BV, sau đó Bộ Y tế yêu cầu đấu thầu tập trung ở các tỉnh. Rất nhiều nơi không hài lòng, nhưng bằng số liệu cho thấy trung bình mỗi năm giảm hơn 10%, 3 năm qua trị giá tiền mua thuốc đã giảm 35%”, ông Đam nêu.
Ngay năm 2017, mới đấu thầu đợt 1 với 21 loại thuốc dùng nhiều nhất đã giúp giảm hơn 16,4% giá thuốc.
Phó Thủ tướng phân tích thêm, từ khi có cơ chế đấu thầu, tỉ lệ thuốc nội vào các BV tăng mạnh. Năm 2013 chỉ có 15%, thì đến 2016 tăng lên 27,1% và 2017 là gần 29%.
Riêng với mặt hàng biệt dược, Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua đã điều chỉnh, bổ sung quy định, yêu cầu đấu thầu các thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền có từ 2 số đăng ký trở lên. Điều này có thể giúp tiết kiệm 3.000 tỉ đồng/năm.
Sắp tới, sẽ tiếp tục thí điểm đàm phán giá đối với 139 danh mục biệt dược gốc đã có nhiều thuốc generic thay thế.
So với mức trung bình của 6 nước trong khu vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giá thuốc generic của VN thấp hơn tới 33%. Trong khi tại Indonesia, Philipines cao hơn từ 20 – 70%; Thái Lan cao hơn 4% và Singapore cao hơn 19%.
Ngoại trừ thuốc ung thư của VN (chiếm hơn 10%) đang cao hơn khoảng 3%, do nhiều loại thuốc chưa được BHYT chi trả.
Phó Thủ tướng cho biết, giải pháp lâu dài với thị trường dược là khuyến khích sử dụng sản phẩm trong nước; tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc; quản lý chặt nhập khẩu; củng cố hệ thống phân phối thuốc; ứng dụng CNTT, kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc.
Lo thiếu phụ nữ như TQ
Liên quan đến NQ về công tác dân số trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từng có thời gian dân số VN tăng quá nhanh, nên bằng nhiều biện pháp quyết liệt, 170.000 cộng tác viên thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đã giúp VN đạt mức sinh thay thế 2,1 con vào năm 2006.
Tuy nhiên, thực tế mới chỉ chú ý đến giảm sinh còn các yếu tố phân bổ dân số, đô thị hoá, chất lượng dân số... chưa được quan tâm, trong khi thế giới đã đưa ra khái niệm dân số phát triển từ rất lâu, gắn dân số trong mối phát triển qua lại với phát triển kinh tế xã hội.
Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng ngày càng nghiêm trọng. Mức bình thường ở ngưỡng 103-107 bé trai/100 bé gái nhưng tại VN đã lên tới 112 bé trai/100 bé gái.
“Nếu giữ mức này, đến 2050 chúng ta sẽ thiếu 2,3-4,3 triệu phụ nữ. Tình trạng TQ báo chí nói rất nhiều, mình cũng sẽ thế nếu không có điều chỉnh”, Phó Thủ tướng lo lắng.
Đáng lưu ý, sau 10 năm, một số khu vực đang bắt đầu giảm sinh. Tại ĐBSCL chỉ còn 1,5-1,6 con, riêng TP.HCM còn 1,45 con, thấp nhất cả nước.
“Trên thế giới, chưa có nước thành công trong việc đưa tỉ lệ sinh xuống quá ngưỡng tăng trở lại. Bài học từ Châu Âu, nhiều nước cho tiền, bao cấp rất nhiều nhưng cũng không vực lên được”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
VN đạt đỉnh cao dân số vàng giai đoạn 2000-2007 nhưng đến 2011 đã bước vào già hoá dân số và hiện thuộc 5 nước có tốc độ già hoá dân số cao nhất thế giới. Với tốc độ này, đến 2045 VN sẽ trở thành nước có dân số già điển hình thế giới (trên 20% người 60 tuổi trở lên).
“Các nước trên thế giới chuyển sang dân số già mất 70-100 năm nhưng VN chỉ mất 18 năm”, Phó Thủ tướng nói.
Do đó, NQ về công tác dân số trong tình hình mới sẽ chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng và đặt trong mối quan hệ mật thiết với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Tập trung duy trì mức sinh thay thế 2,1 con, khuyến khích đẻ thêm tại những nơi có mức sinh thấp, vận động sinh ít tại những đẻ nhiều, đảm bảo quy mô dân số 104 triệu vào 2030./.
Theo Vietnamnet.vn