Nhân viên y tế ấp là những người gần gũi, nắm rõ tình hình địa bàn và đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Chủ động ứng phó nguy cơ dịch bệnh
Tại Long An, những dịch bệnh thường gặp là sốt xuất huyết (SXH) và tay-chân-miệng (TCM). Tính đến ngày 21/8/2016, toàn tỉnh ghi nhận 1.439 ca mắc sốt xuất huyết với 252 ổ dịch, không có ca tử vong, tăng 29% so với cùng kỳ, giảm 10% so với số ca mắc trung bình 5 năm 2011-2015 (1.591 ca), xử lý 246/252 ổ dịch, đạt 98%, các ổ dịch còn lại tiếp tục được xử lý. Với bệnh tay-chân-miệng, từ đầu năm đến nay ghi nhận 891 ca mắc với 12 ổ dịch, giảm 17,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ xử lý ổ dịch đạt 100%, không có trường hợp tử vong. Tình hình bệnh sởi, rubella tương đối ổn định.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Long An - Bác sĩ Ngô Văn Hoàng, bên cạnh những bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, một số bệnh dù có vắc-xin phòng ngừa nhưng nếu người dân chủ quan, không tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch thì sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại như: Ho gà, bạch hầu, viêm não Nhật Bản,... Đến nay, Long An chưa ghi nhận bệnh bạch hầu, viêm não Nhật Bản nhưng vào tháng 3/2016, có 1 trường hợp ho gà tại Cần Đước. Hiện tại, đang là thời điểm vào mùa tựu trường, nguy cơ mắc bệnh tay-chân-miệng rất cao. Các trường học cần chú ý vệ sinh trường lớp, nhắc nhở học sinh ý thức vệ sinh cá nhân, đặc biệt là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo.
Năm 2016, tại Long An, “điểm nóng” về tình hình dịch bệnh thường tập trung tại các huyện có khu, cụm công nghiệp, mật độ dân số đông như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An. Các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười thì số ca mắc ít hơn. Trưởng phòng Y tế Đức Hòa - Lê Văn Xành cho biết, do địa bàn rộng, tập trung nhiều khu công nghiệp, dân nhập cư đông, nhà trọ nhiều nên Đức Hòa là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết và tay-chân-miệng cao nhất. Đức Hòa tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng nhằm ngăn ngừa sốt xuất huyết.
Truyền thông - tăng cường hiệu quả phòng dịch
Ngoài sự chỉ đạo, quan tâm của chính quyền địa phương thì vai trò của công tác truyền thông, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của người dân là vô cùng quan trọng. Nhờ đó, người dân sẵn sàng hợp tác cùng ngành Y tế, chủ động phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tại những địa bàn rộng, tập trung đông dân cư, áp lực trước nguy cơ dịch bệnh rất lớn mà nhân lực tại các trạm y tế địa phương lại có hạn. Hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có từ 5-7 nhân sự. Ngoài khám, chữa bệnh, cán bộ trạm y tế còn có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng nên áp lực công việc rất lớn, đặc biệt là tại các huyện có mật độ dân số đông, dịch bệnh lưu hành. Nhằm đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, các trạm y tế phải nhờ đến “cánh tay nối dài” là mạng lưới nhân viên y tế tại các ấp. Như vậy, nhân viên y tế ấp giữ vai trò quan trọng trong việc nắm tình hình dịch bệnh, chủ động thông báo khi có vấn đề phát sinh tại địa bàn mình quản lý.
Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Long An - Bác sĩ Nguyễn Tấn Hiền cho biết, mạng lưới y tế ấp của Long An hiện có 1.025 người/1.038 khóm, ấp, đạt 99%. Đây cũng là đội ngũ thực hiện nhiệm vụ truyền thông, giáo dục sức khỏe trực tiếp tại cộng đồng. Số nhân viên y tế ấp có giấy chứng nhận đào tạo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế (theo Thông tư 07/2013/TT-BYT, ngày 8-3-2013 của Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn, bản) là 578/1.025, đạt 56% (gọi là nhân viên y tế ấp). Như vậy, mạng lưới truyền thông, giáo dục sức khỏe còn khiếm khuyết 447 nhân viên chưa được tập huấn theo khung chương trình đào tạo nhân viên y tế thôn, bản của Bộ Y tế, được gọi là nhân viên tình nguyện cộng đồng, những nhân viên này hiện nay không được hưởng chế độ phụ cấp.
Hiện tại, do thiếu kinh phí nên công tác đào tạo, chuẩn hóa mạng lưới y tế ấp còn nhiều hạn chế. Đây là một trở ngại lớn trong công tác truyền thông, phòng, chống dịch bệnh. Nhân viên y tế ấp là người sâu sát với địa bàn dân cư nên rất cần được đào tạo bài bản, có kiến thức cơ bản để thực hiện hiệu quả, chính xác nhiệm vụ tuyên truyền. Thời gian tới, ngành Y tế có chủ trương giao Trường Trung cấp Y tế biên soạn giáo trình tập huấn chuyển về trung tâm y tế huyện tập huấn, Trường Trung cấp Y tế sẽ cấp giấy chứng nhận để chuẩn hóa đội ngũ này. Đây là biện pháp nhằm hoàn thiện đội ngũ y tế cơ sở, góp phần tích cực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân./.
Phạm Ngân