Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Thời tiết đang bước vào mùa mưa là điều kiện để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.063 trường hợp mắc SXH, trong đó có 315 ổ dịch, xử lý ổ dịch đạt 99,7%. Ngành Y tế các địa phương phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông và vận động nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng (bìa trái) hướng dẫn súc rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước trong nhà
Chị Hồ Thị Nguyên (ấp An Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa) chia sẻ: "Qua tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, báo, đài, tôi biết muốn phòng, chống bệnh SXH phải vệ sinh sạch sẽ nhà ở và khu vực xung quanh nhà. Tôi thường xuyên súc rửa dụng cụ chứa nước và loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết để muỗi không có nơi sinh sản”.
Xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa có số ca SXH gia tăng so cùng kỳ năm trước và đã ghi nhận 1 ca tử vong. Qua giám sát chỉ số côn trùng tại xã An Ninh Tây cho thấy, lăng quăng chứa nhiều ở những hộ gia đình nuôi gia súc, gia cầm, máng thức ăn không được súc rửa thường xuyên dẫn đến đọng nước. Còn các hố phân, nước thải không thoát được dẫn đến ứ đọng làm cho lăng quăng trú ngụ và phát triển.
Để khống chế dịch bệnh, địa phương thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun dập dịch diện rộng; huy động người dân dọn vệ sinh, nhất là khu vực có nhiều nhà trọ, cống rãnh, khu đất trống, nước đọng trong các vật dụng chăn nuôi,…
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các đoàn giám sát thực địa cũng như chỉ số côn trùng tại các địa phương có ổ dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí dịch bệnh kịp thời. Phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch cũng được quan tâm thực hiện. Trung tâm trang bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức đoàn giám sát thực địa cũng như chỉ số côn trùng tại các địa phương có ổ dịch
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng nhận định: “Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXH mang lại hiệu quả thì ý thức của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Trước tình hình dịch bệnh có xu hướng gia tăng, người dân hãy quan tâm diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng, chống bệnh SXH. Người dân chú ý xử lý, dọn dẹp thường xuyên các vật dụng chứa nước, ngủ mùng kể cả ban ngày và phòng tránh muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng nhang xua muỗi hoặc dùng thuốc thoa lên người phòng tránh muỗi đốt”.
Việc chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH không chỉ là trách nhiệm của ngành chức năng mà còn của bản thân, gia đình và toàn xã hội. Với khẩu hiệu “không có muỗi, không có lăng quăng, không có bệnh SXH”, mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế. Khi có dấu hiệu bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh./.
Ngọc Mận