Tiếng Việt | English

25/10/2022 - 09:05

Phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Long An đẩy mạnh triển khai xây dựng thí điểm mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Ðiểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư (KDC), hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Lực lượng chức năng diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư

Xử lý nghiêm vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

9 tháng năm 2022, Công an tỉnh kiểm tra PCCC tại 12.189 cơ sở và hơn 159.000 KDC, hộ gia đình, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính gần 279 trường hợp, tạm đình chỉ 181 cơ sở, đình chỉ hoạt động 164 cơ sở.

Nguy cơ xảy ra cháy, nổ vẫn tiềm ẩn tại các nhà máy, xí nghiệp, chợ, KDC và cơ sở kinh doanh, nhất là những nơi còn lơ là, chủ quan, không quan tâm thực hiện công tác PCCC. Theo Thượng tá Trương Văn Vũ - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh, nhà máy, xí nghiệp là nơi tập trung lượng công nhân, lao động đông đúc và có khối lượng phương tiện, máy móc, hàng hóa lớn. Trong đó, nhiều hàng hóa, vật liệu, hóa chất có nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao.

Vì vậy, lực lượng cảnh sát PCCC đặc biệt tuyên truyền pháp luật về PCCC tại doanh nghiệp (DN) để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng lao động và người lao động; đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện PCCC tại các DN. Qua kiểm tra, ngành chức năng hướng dẫn, yêu cầu DN quan tâm thực hiện tốt công tác PCCC để phát triển bền vững. Đối với những DN vi phạm về PCCC, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, sau vụ cháy quán karaoke xảy ra ở Bình Dương, làm chết 32 người vào tối ngày 06/9/2022, ngành chức năng, UBND tỉnh chỉ đạo tổng kiểm tra PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Theo đó, kiên quyết xử lý nghiêm, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC và CNCH; phòng, chống bạo lực gia đình.

Qua kiểm tra của ngành chức năng, một số cơ sở kinh doanh karaoke chưa đáp ứng đầy đủ về điều kiện an toàn PCCC. Đoàn kiểm tra lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với các lỗi vi phạm: Không duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống báo cháy tự động; không bảo đảm đường, lối thoát nạn theo quy định; cải tạo không trình hồ sơ thẩm duyệt về PCCC; chưa trang bị và thiếu kiểm tra phương tiện PCCC đầy đủ theo quy định; lối thoát nạn thứ 2 không bảo đảm theo quy định. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke khắc phục ngay những tồn tại, vi phạm, chấn chỉnh kịp thời công tác PCCC và CNCH.

Thành lập tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Ngoài tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, các cấp, các ngành, nhất là lực lượng cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC cho người dân; đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia PCCC và củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ"; phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình PCCC và CNCH.

Gần đây, 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đồng loạt xây dựng, thành lập Tổ liên gia an toàn về PCCC. Qua đó, góp phần đưa công tác PCCC trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác của các cấp, các ngành và người dân. Tổ liên gia an toàn PCCC được thành lập với từ 5-15 hộ gia đình liền kề nhau. Theo đó, mỗi hộ gia đình được trang bị các phương tiện phục vụ công tác PCCC như bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ, hệ thống chuông báo cháy liên thông giữa các hộ gia đình. Các thành viên cài đặt và sử dụng thành thạo phần mềm báo cháy 114.

Bên cạnh đó, mỗi hộ gia đình còn thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, chuẩn bị sẵn các phương án thoát nạn và được trang bị các kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH; biết cách sử dụng phương tiện chữa cháy, CNCH, biết cách thoát nạn khi chẳng may có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Ngoài ra, 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn rà soát, đánh giá tình hình thực tế để thành lập Điểm chữa cháy công cộng. Theo quy định, những hẻm ở KDC có chiều dài trên 50m thành lập điểm chữa cháy công cộng. Những nơi thành lập sẽ được trang bị máy bơm, 20 bình chữa cháy và các phương tiện khác như kìm cộng lực, búa để có thể xử lý tình huống nếu xảy ra cháy. Người dân ở đó thường xuyên được tập huấn kỹ năng PCCC.

Tại huyện Cần Đước, mới đây, UBND huyện ra mắt mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng tại khu phố 5, thị trấn Cần Đước. Hiện tất cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để sớm ra mắt mô hình. “Toàn huyện có 115 ấp, khu phố. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng như dân số, mật độ dân cư,..., huyện triển khai, thực hiện mô hình và nhân rộng càng nhiều, càng tốt” - Đại tá Thái Hữu Đức - Trưởng Công an huyện Cần Đước, cho biết.

Tại huyện Đức Hòa, mô hình Điểm chữa cháy công cộng được thành lập tại tuyến đường hẻm Ô3, khu A, thị trấn Hậu Nghĩa. Tại đây được trang bị bình chữa cháy và các phương tiện bảo đảm chữa cháy, CNCH. Khi có cháy, nổ xảy ra, người dân thông báo ngay cho mọi người xung quanh, báo cháy cho lực lượng chức năng; đồng thời, sử dụng phương tiện tại điểm chữa cháy công cộng để chữa cháy và CNCH trước khi lực lượng chức năng đến hiện trường.

Theo Thượng tá Trương Văn Vũ, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng là những giải pháp quan trọng góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác PCCC./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết