Tiếng Việt | English

30/04/2024 - 13:53

Phòng, chống mua bán người toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng

Trong năm 2023, lực lượng chức năng trong tỉnh Long An xác lập một chuyên án mua bán người để tập trung đấu tranh; đã khởi tố 10 bị can về tội “mua bán người”…Năm 2024, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người (PCMBN) trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng.

 

Lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn biên giới, phòng, chống mua, bán người. Ảnh minh họa: LĐ

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người (PCMBN), UBND tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia nhiệm vụ PCMBN. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa ngày từ địa bàn cơ sở.

Tỉnh phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về MBN; trong đó, 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm MBN được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án MBN đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án MBN hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án MBN được giải quyết, xét xử.

Tỉnh cũng sẽ làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người bị nghi là nạn nhân; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm MBN.

Tỉnh xác định công tác PCMBN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm, với mục tiêu cao nhất là “bảo vệ an ninh con người”, lấy người dân làm trung tâm của công tác bảo vệ.

Trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm MBN gắn với triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân PCMBN” và “Ngày thế giới PCMBN 30/7”. Duy trì các hoạt động liên ngành PCMBN trên địa bàn.

Lưu ý kéo giảm số vụ phạm tội MBN dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh ra nước ngoài làm việc nhẹ lương cao; MBN trong nội địa. Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng các hình thức phong phú, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tại các địa bàn biên giới về PCMBN thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lưu ý phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về PCMBN.

Tổ chức chiến dịch truyền thông về PCMBN trong học sinh, sinh viên với nội dung tuyên truyền PCMBN trong nội địa, mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động “việc nhẹ lương cao”.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tổ chức lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm MBN vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân như hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo,... không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm MBN.

Tỉnh xác định lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng các cấp đóng vai trò quan trọng về nghiệp vụ PCMBN. Trong đó, chú trọng triển khai công tác nghiệp vụ về PCMBN bảo đảm toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng.

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường nắm tình hình, rà soát các đường dây, băng, ổ, nhóm, đối tượng nổi lên, số có tiền án, tiền sự, môi giới, cò mồi và nghi vấn hoạt động MBN; các trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày, lấy chồng nước ngoài, có con lai về thăm thân; số nạn nhân trở về địa phương; tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin theo hướng liên kết địa bàn “nội địa - khu vực biên giới - ngoại biên”; tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng”; nắm chắc các hội, nhóm, đường dây trên không gian mạng liên quan đến tội phạm MBN; chú trọng phòng ngừa, phát hiện mua bán người trong nội địa và ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm cưỡng bức lao động.

Chú trọng công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú (nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn), nhà hàng, quán bar, massage, karaoke, khu công nghiệp, khu du lịch, địa bàn giáp ranh,... để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm MBN và nạn nhân bị mua bán.

Ngoài ra, tỉnh tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người ngay từ địa bàn cấp xã. Tiến hành xác minh, điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt, tỉnh sẽ mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh (thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết 30/9/2024). Trong thời gian này, lực lượng chức năng sẽ sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động MBN, MBN trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động,....

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PCMBN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế tại địa phương nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện mục tiêu: “Bảo vệ an ninh con người”./.

Tấn Lộc

Chia sẻ bài viết