Tiếng Việt | English

13/09/2023 - 09:05

Cảnh giác với những 'quái chiêu' của tội phạm mua, bán người

Gần đây, tội phạm mua, bán người xảy ra trên phạm vi cả nước, trong đó có Long An. Nạn nhân bị lừa bán thường sống ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn...

Người dân cần cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài

Tội phạm mua, bán người thường núp bóng chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Nhiều người bị lôi kéo, lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc game online, sau đó, bị các đối tượng người nước ngoài khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Người lao động còn bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động (có khi làm 15-16 giờ/ngày), cưỡng bức làm việc, tra tấn, đánh đập rất tàn bạo khi tìm cách trốn ra khỏi nơi làm việc. Những người từ chối làm việc và muốn quay về Việt Nam thì bị đánh đập, bắt ký khống giấy nợ và yêu cầu bồi thường hàng ngàn USD mới được trả về hoặc bán cho công ty khác, cá biệt, có những trường hợp bị bạo hành đến tử vong.

Trước đó, tình trạng đưa người ra nước ngoài trái phép bằng chiêu thức lôi kéo các cô gái trẻ ở nông thôn, nhất là những người thích làm việc nhàn nhã bằng chiêu thức “hợp tác lao động”, ngày làm 8 giờ, lương cao. Nhiều người không chút nghi ngờ, chấp nhận vượt biên trái phép. Khi sang đến nơi, thấy công việc nặng nhọc nhưng không có tiền để trở về nên trở thành nạn nhân của bọn buôn người. Thủ đoạn mua, bán người ngày càng tinh vi, phức tạp.

Các đối tượng thực hiện hành vi mua, bán người dưới “vỏ bọc” tham quan, du lịch, ký kết làm kinh tế, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi,... Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em như những năm trước đây mà có cả nam giới và trẻ sơ sinh.

Nhiều đối tượng phạm tội mua, bán người đã bị bắt trên địa bàn tỉnh như vụ việc xảy ra ngày 04/7/2023 khi Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ) phát hiện và bắt giữ 10 đối tượng trong đường dây mua, bán người khi chúng đang đưa cô gái 18 tuổi sang Campuchia để bán. Trước đó, ngày 26/5/2023, Đội Cảnh sát hình sự và Công an phường 3, TP.Tân An bắt đối tượng Lê Thanh Đoàn (37 tuổi) liên quan đến vụ mua, bán người dưới 16 tuổi...

Buôn bán người và đưa người di cư trái phép đang nổi lên như một mối lo ngại lớn. Theo báo cáo của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) ở Đông Nam Á: “Hoạt động lừa đảo để buôn người rồi bán vào các khu vực lao động cưỡng bức như nô lệ đã tăng gần gấp đôi vào năm 2022 so với năm 2018. Nhiều phụ nữ Việt Nam bị lừa sang Trung Quốc rồi bị bán vào các cơ sở mại dâm; nhiều lao động bị đưa vào những tổ hợp lao động cưỡng bức ở Campuchia. Theo điều tra, nạn buôn người, đưa vào các cơ sở lao động cưỡng bức tại Campuchia đều do tội phạm người Trung Quốc thực hiện. Những ông chủ Trung Quốc này có hộ chiếu Campuchia, chỉ điều hành sau hậu trường chứ không bao giờ công khai và thậm chí không sống ở Campuchia”.

Sau các ông trùm người Trung quốc, phải kể đến các “chân rết” tay sai người Việt Nam trong đường dây tội phạm mua, bán người. Chúng thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch; đồng thời, am hiểu phong tục, tập quán của người dân, hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Nhiều người từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, Campuchia làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân, bán sang Trung Quốc, Campuchia.

Tỉnh Long An có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia dài gần 135km, qua địa bàn 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường với 20 xã biên giới tiếp giáp 2 tỉnh: Svay Rieng và Prey Veng. Do vậy, các cấp, các ngành và người dân cần nhận thức được tính chất nguy hiểm của tội phạm mua, bán người và đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi tương tác trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải những thông tin tuyển nhân viên, người lao động mà chưa rõ địa chỉ ở trong và ngoài nước; không liên hệ tìm kiếm việc làm qua các kênh thông tin không chính thống;...

Khi có ý định, nhu cầu ra nước ngoài làm việc, lao động, người dân nên liên hệ các trung tâm giới thiệu việc làm hoặc các công ty tuyển dụng lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và làm thủ tục xuất cảnh tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Mỗi người cần đề phòng với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc nhẹ, có thu nhập cao; nên tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng;.../.

Cựu chiến binh Long An

Chia sẻ bài viết