Trẻ em chưa thể tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm tiềm ẩn xung quanh. Vì vậy, tạo môi trường an toàn, lành mạnh, nhất là bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho trẻ là yêu cầu bức thiết, quan trọng.
Long An có nhiều ao, hồ, kênh, rạch,... đây là môi trường gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Dù được quan tâm bảo vệ, hàng năm, vẫn còn tai nạn, thương tích xảy ra với trẻ, nhất là tai nạn đuối nước. Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra với trẻ chỉ vì người lớn chủ quan.
Sau nhiều năm lũ thấp, năm nay, nước lũ ở Đồng Tháp Mười về sớm, cao hơn nhiều so cùng kỳ, diễn biến bất thường và phức tạp. Mọi người đang tập trung dồn sức đối phó với lũ để bảo vệ lúa và tài sản. Đây cũng là thời điểm trẻ đang nghỉ hè. Lũ đang về, nếu người lớn thiếu cảnh giác thì tai nạn đuối nước ở trẻ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Do vậy, song song với hoạt động gia cố đê bao, thu hoạch lúa chạy lũ, chính quyền và người dân quan tâm công tác bảo đảm an toàn cho trẻ; cần có kế hoạch, biện pháp, tổ chức các điểm giữ trẻ, nhất là ở vùng nước ngập sâu, ở những gia đình cha mẹ đi làm, không có người chăm sóc trẻ. Cần tuyên truyền, vận động để người dân không chủ quan để trẻ một mình, trẻ lớn giữ trẻ nhỏ hoặc để người già giữ trẻ; tổ chức giữ trẻ ở các điểm an toàn;... Cha mẹ không nên để trẻ em tự bơi xuồng trên sông, kênh, rạch hoặc tắm ở sông, kênh không có người trông coi. Khi trẻ em di chuyển bằng xuồng trên sông nước phải được trang bị áo phao, phao cứu sinh.
Về lâu dài, cần phổ cập kỹ năng bơi lội và cấp cứu đuối nước cho người dân, nhất là người dân vùng sông nước. Tăng cường tuyên truyền trong cộng đồng về phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước; xây dựng môi trường an toàn từ gia đình đến cộng đồng nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ.
Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai, tính mạng con người là quan trọng nhất,... là những thông điệp của trách nhiệm, lương tri mà người lớn phải quan tâm, thực hiện./.
Kim Quy