Long An là tỉnh có hệ thống sông, rạch, kênh, mương chằng chịt. Chỉ cần một chút sơ sẩy hoặc thiếu kiến thức của người lớn là có thể dẫn đến tai nạn thương tâm cho trẻ. Đuối nước là một trong những tai nạn gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em. Tỷ suất chết do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Cứ 1 trường hợp tử vong vì đuối nước thì có 2 trường hợp suýt chết đuối. Gần 70% trẻ chết đuối, suýt chết đuối ở độ tuổi dưới 15. Độ tuổi bị nguy hiểm nhất là từ 5 đến 9 tuổi.
Qua hàng loạt những vụ tai nạn đuối nước vừa qua là do mấy nguyên nhân chính: Lỗi bất cẩn ở người lớn là nguyên nhân hàng đầu trong các vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước. Trẻ em thường rất thích đùa nghịch với nước, tuy nhiên chính những người lớn trong gia đình lại quá chủ quan, thiếu ý thức trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm. Trong khi đó, môi trường sống của trẻ em trong tỉnh có quá nhiều kinh, rạch, ao, hồ, mà dường như chưa một gia đình có trẻ em nào làm rào chắn quanh để phòng tai nạn cho trẻ. Nhiều bậc cha mẹ cứ thản nhiên cho con chơi ở cầu bến, bờ kinh mà không nghĩ rằng ở những nơi này trẻ chỉ cần trượt chân là tai nạn có thể ập đến.
Tắm sông gần như là thú vui duy nhất của trẻ em nông thôn trong những ngày hè nóng nực. Chính vì vậy mà tai nạn chết đuối ở trẻ em trong dịp hè năm nào cũng tăng cao. Phần lớn những trẻ em chết đuối do tắm sông là không biết bơi. Trong khi đó, việc dạy trẻ học bơi chưa được thực hiện một cách chủ động, có hiệu quả.
Thiết nghĩ, các ngành hữu quan nên nghiên cứu để phổ cập bơi lội cho trẻ em, vì đây là môn thể dục cần thiết, vừa giúp các em nâng cao sức khỏe, vừa tránh được tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, dạy trẻ học bơi không thôi cũng chưa đủ, mà còn cần hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng phòng tránh đuối nước, cấp cứu đuối nước./.
Nguyễn Lang