Tiếng Việt | English

08/06/2019 - 09:04

PrEP - Hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

PrEP (viết tắt của cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis) được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng đối với những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Đây là chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV đối với những người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao, giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm tới 90%.

Xét nghiệm là phương pháp duy nhất xác định tình trạng nhiễm HIV

Xét nghiệm là phương pháp duy nhất xác định tình trạng nhiễm HIV

Hiện nay, HIV luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khi vẫn còn nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và cộng đồng người chuyển giới có xu hướng tăng lên. Vì vậy, bên cạnh các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV truyền thống như cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm, cần có những lựa chọn can thiệp khác cho nhóm đối tượng này.

Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho quần thể nguy cơ cao bằng thuốc kháng HIV (ARV) có thể dự phòng lây nhiễm HIV. Việc tuân thủ uống thuốc ARV hàng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên tới trên 90%. Thực tế cho thấy, chưa có trường hợp MSM nào bị nhiễm HIV trong khi sử dụng PrEP. Việc lây nhiễm HIV chỉ thường xảy ra khi nhóm MSM ngưng sử dụng hoặc sử dụng không liên tục theo hướng dẫn. Vì những lợi ích trên, năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia cần triển khai dự phòng nhiễm HIV cho quần thể nguy cơ cao như nhóm quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV.

Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1340/QĐ-BYT, ngày 12/02/2018 phê duyệt Kế hoạch triển khai Dự án Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020. Theo đó, dự phòng phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao (PrEP) được xác định là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV cần được triển khai tại Việt Nam. Mục tiêu chung của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm nhằm góp phần khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể nguy cơ cao nhiễm HIV.

PrEP được viết tắt của cụm từ Pre-Exposure Prophylaxis - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm thông qua việc người có HIV âm tính sử dụng thuốc ARV hàng ngày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tất cả những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV có kết quả xét nghiệm HIV âm tính cần được tham gia điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Tại Việt Nam, đối tượng ưu tiên được tiếp cận dịch vụ (PrEP) cụ thể: Người nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, bạn tình của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV và có tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml, người bán dâm, người tiêm chích ma túy.

PrEP được xác định là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV cần được triển khai tại Việt Nam

PrEP được xác định là một can thiệp dự phòng nhiễm HIV cần được triển khai tại Việt Nam

Năm 2019, Long An triển khai thí điểm tại 3 cơ sở (Bệnh viện Đa khoa Long An, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức) với mục tiêu điều trị cho 80 bệnh nhân. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, người sử dụng PrEP tại các cơ sở y tế trong tỉnh sẽ được miễn phí do Dự án VAAC-US.CDC tài trợ. Để đạt kết quả điều trị tốt, người sử dụng PrEP cần tuân thủ uống thuốc hàng ngày và tái khám định kỳ. PrEP là giải pháp can thiệp rất hiệu quả, góp phần dự phòng lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao và ngăn chặn lan truyền HIV ra cộng đồng”./.

Gói dịch vụ triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV PrEP, gồm: Tư vấn, xét nghiệm HIV cho đối tượng nguy cơ; điều trị dự phòng phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP); hỗ trợ duy trì tuân thủ điều trị PrEP; sàng lọc và điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; sàng lọc tình trạng viêm gan B,C và hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ liên quan khác.

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhân rộng dịch vụ PrEP tại Việt Nam (2018-2020): Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho ít nhất 5.600 người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV vào năm 2019 và điều trị cho ít nhất 7.300 người vào năm 2020.

Q.Nguyên-T.Minh

Chia sẻ bài viết