Tiếng Việt | English

17/01/2019 - 18:16

Quà tết gửi người dân vùng biên

Vào những ngày này, hàng trăm người dân tại các xã vùng biên của huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đang "vui như tết", bởi không còn chịu cảnh “qua sông phải lụy đò”.

Các cầu mới được khánh thành và đưa vào sử dụng tại Tân Hưng

Các cầu mới được khánh thành và đưa vào sử dụng tại Tân Hưng

Nhịp cầu mới đón tết

Trên tuyến đường Kênh 79, cạnh cầu Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, có con đường mới hình thành được gọi là Kênh Ngang. Bà Trần Thị Ren, ngụ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, phấn khởi: “Con đường này dài gần 9km, bắt đầu từ ấp Cà Dăm đến ấp Láng Sen. Mà hổng phải con đường có trước đâu, đường mới có khi xã được các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu. Khi nhận được tin có đường mới, cầu mới, không chỉ gia đình tôi mà mấy chục hộ dân sống trên tuyến kênh này ai cũng mừng như tết đến nơi rồi”.

Giữa miền quê sông nước như Tân Hưng, có lẽ người dân xã Vĩnh Đại chưa bao giờ dám mơ ước một ngày sẽ có cầu mới thay cho những nhịp cầu hư hỏng, thiếu an toàn hay những chiếc xuồng nhỏ mỏng manh, cũ kỹ. Thế là những chiếc cầu mới vững chải hình thành trên đường Kênh Ngang mang theo những khát vọng đời sống sẽ thay đổi nhiều hơn. Đặc biệt là những em học sinh trong các ấp không cần phải đi đò ngang qua con kênh rộng lớn để đến trường mỗi ngày.

Những ngày này, người dân khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh đang tất bật chăm sóc những trà lúa vụ Đông Xuân. Thế nhưng, ngày khánh thành các cây cầu mới, người dân trong ấp Cà Dăm, Láng Sen, xã Vĩnh Đại, vui mừng, gác lại việc đồng áng để cùng đón chào niềm vui mới. Bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, bắt tay chúng tôi như thể thân quen lâu lắm. Bà Huệ bộc bạch: “Cầu mới sẽ phục vụ cuộc sống người dân ở đây tốt hơn. Cuộc sống chúng tôi, những người dân từng phải “lụy đò” sẽ an toàn hơn. Có cầu mới xây, nông dân sẽ dễ dàng thăm ruộng, vận chuyển vật tư, lúa trong mỗi vụ mùa bằng xe gắn máy. Chắc chắn rằng, đường thông thương, lúa chúng tôi làm ra sẽ có giá hơn. Tết này, chị em phụ nữ chúng tôi thăm hỏi nhau không cần đi xuồng, nhịp cầu mới sẽ giúp mọi người gần nhau hơn”.

Tặng "chiếc cần câu"

"Cho người con cá, không bằng cho chiếc cần câu", 260 con bò giống mà các nhà tài trợ đến từ Đoàn Luật sư Bình Dương, Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, Công ty Cổ phần địa ốc An Huy - Câu lạc bộ Doanh nghiệp Bắc Giang, tặng hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Tân Hưng có ý nghĩa tương tự. Một trong những nhà tài trợ nói rằng, họ muốn giúp người dân "chiếc cần câu cơm", để có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo. Người dân vùng biên là những người rất quan trọng, luôn là thành lũy vững chắc góp phần ổn định chính trị, xây dựng thế trận toàn dân vững mạnh để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Cuộc sống của họ cần phải khấm khá hơn trong tương lai.

Cầm trên tay sợi dây buộc con bò giống rồi nhưng ông Lê Văn Ên, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, nói với chúng tôi, ông như đang mơ. Ông Ên không giấu được những giọt nước mắt vì xúc động và mừng. Ông nói: “Được sự quan tâm của mọi người, tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt. Tôi hứa sẽ thoát nghèo. Tôi cảm ơn!”.

Trước sự phấn khởi của người dân được nhận bò giống, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang ân cần dặn dò: “Tôi mong muốn, từ con bò giống hôm nay, bà con cần học hỏi thêm để chăn nuôi đạt hiệu quả, vươn lên trong cuộc sống. Như vậy, nhà tài trợ sẽ vui hơn vì chương trình có hiệu quả và tiếp tục hỗ trợ những hộ gia đình khác”.

Ông Lê Văn Ên, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, rất vui mừng khi nhận được bò giống

Ông Lê Văn Ên, ngụ ấp Kinh Mới, xã Hưng Điền B, rất vui mừng khi nhận được bò giống

Sắp tới, Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông Thôn Việt tiếp tục thực hiện hành trình mang đến những cây cầu vững chắc, nối liền những vùng đất khó và con đường đến trường của trẻ em. Những con bò giống cũng sẽ được trao tặng đến những người còn khó khăn nhằm giúp họ từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Những chiếc cầu mới, những con bò giống là món quà mà Ban Tổ chức Chương trình Cầu nông thôn gửi đến người dân vùng biên mùa xuân này./.

Chương trình Cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang khởi xướng và Tạp chí Nông Thôn Việt thực hiện hơn 2 năm nay. Tại Long An, có 82 công trình cầu, cống được cam kết tài trợ với tổng vốn đầu tư gần 68 tỉ đồng, phân bố ở các huyện: Tân Hưng, Đức Huệ, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Hiện có 73 cầu/cống được đưa vào sử dụng.

Tại huyện Tân Hưng, vào đầu năm 2019, chương trình hỗ trợ 10 cây cầu và vừa bàn giao, khánh thành 8 cây, gồm 5 cây cầu ở xã Vĩnh Đại; 3 xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh, Hưng Điền, mỗi xã 1 cây cầu (2 cầu còn lại đang thực hiện). Tổng kinh phí xây dựng trên 6,1 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương trên 1,3 tỉ đồng, phần còn lại do Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải, Minh Hưng Group, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel tài trợ.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết