Tiếng Việt | English

27/09/2017 - 14:39

Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản - Nâng cao chất lượng giống nòi

Chiến dịch (CD) tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) là dịp để ngành Dân số (DS) các cấp tập trung giúp phụ nữ có điều kiện CSSKSS định kỳ, tiếp cận các biện pháp tránh thai và dịch vụ y tế hiện đại.

Nâng cao nhận thức người dân

CD nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn phụ nữ CSSKSS/KHGĐ, góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung (UTCTC), viêm nhiễm đường sinh dục,... Để CD đạt kết quả cao, cùng với các địa phương trên toàn tỉnh. Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành huy động lực lượng cộng tác viên (CTV) DS - Gia đình và Trẻ em đến từng nhà, gặp từng đối tượng phát thư mời, vận động đến địa điểm diễn ra CD.

Tham gia chiến dịch, phụ nữ được khám phụ khoa, tư vấn các biện pháp CSSKSS/KHHGĐ

Chị Nguyễn Thị Kiều, ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành chia sẻ: “Nhờ CTV đến nhà tư vấn, tôi quan tâm sức khỏe của mình hơn trước. Vợ chồng tôi có con “một bề” nhưng vẫn quyết định thực hiện biện pháp tránh thai (BPTT) để nuôi dạy con tốt. CD giúp tôi biết được tình trạng sức khỏe của mình và an tâm chăm lo phát triển kinh tế gia đình”.

Đợt tuyên truyền tập trung cũng chính là cơ hội giúp chị em lựa chọn BPTT phù hợp và hiểu biết thêm việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, lợi ích khi tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Phường 3, TP.Tân An có 2.449 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Để CD đạt hiệu quả cao, Trạm Y tế phường phân công cán bộ phụ trách từng công việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ đến tham gia dịch vụ.

“Đây là lần thứ 10, tôi tham gia CD bằng cách đến các điểm cung cấp dịch vụ, nhân viên y tế tận tình tư vấn các biện pháp CSSKSS, KHHGĐ, cấp thuốc miễn phí để chị em CSSKSS bản thân. Tại đây, tôi còn được khám phụ khoa, siêu âm, soi tươi và test VIA tầm soát UTCTC” - chị Lê Cẩm Màu, ngụ khu phố 4, phường 3, chia sẻ.

Theo Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ TP.Tân An - Huỳnh Kim Tuấn, CD lần này không chỉ siêu âm cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà mở rộng cho tất cả phụ nữ tham gia. Qua siêu âm, test VIA giúp chị em phát hiện sớm các bệnh lý về đường sinh sản và điều trị kịp thời. Góp phần thành công cho CD phải kể đến sự quan tâm của UBND thành phố và các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ điều kiện trang thiết bị, thuốc, thực hiện tốt công tác truyền thông trước và trong CD,...”.

Tuy nhiên, việc triển khai CD còn nhiều khó khăn. Đối với những địa bàn rộng, dân cư phân bố không đồng đều, gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng. Kinh phí hỗ trợ đội ngũ CTV còn thấp nên một số người chưa “mặn mà” với công việc, vì vậy, đội ngũ này thay đổi thường xuyên gây khó khăn trong quá trình hoạt động. Do các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là lao động chính nên không thường xuyên được tư vấn lợi ích của CD và không có thời gian tham gia. Đây là những khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới để công tác tổ chức CD hiệu quả hơn.

Hiệu quả từ chiến dịch

Nếu như những năm trước đây, nhiều phụ nữ vẫn còn e dè khi khám phụ khoa, thực hiện KHHGĐ thì giờ đây, chị em hiểu rõ hơn về lợi ích của việc sinh ít con, chủ động quan tâm CSSKSS bản thân. Có mặt tại các điểm cung cấp dịch vụ CSSK, KHHGĐ những ngày diễn ra CD, không khí rất nhộn nhịp, thoải mái. Trong đó, ngoài tay nghề, năng lực chuyên môn thì thái độ niềm nở, ân cần của đội ngũ y, bác sĩ là một trong những yếu tố quan trọng thu hút phụ nữ tham gia ngày càng nhiều.

Chị Lê Thị Liên (23 tuổi), ngụ ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, cho biết: “Tôi có 1 con gái, 2 vợ chồng chưa muốn sinh thêm con nên dự định KHHGĐ bằng cách đặt dụng cụ tử cung. Tôi rất băn khoăn về hiệu quả và những tác dụng phụ có thể xảy ra của BPTT này. Trong đợt CD, tôi được bác sĩ tận tình tư vấn nên hiểu và an tâm lựa chọn BPTT phù hợp”.

Tham gia chiến dịch, phụ nữ được khám phụ khoa, tư vấn các biện pháp CSSKSS/KHHGĐ

Còn chị Huỳnh Thị Thu Thảo, ngụ khu phố Bình Đông 2, phường 3, phấn khởi: “Dù đông người, phải chờ đợi lâu nhưng các y, bác sĩ đều tư vấn, thăm khám kỹ cho từng người chứ không có thái độ cáu gắt, khó chịu. Đây cũng là cách “giữ chân”, thu hút phụ nữ vào các đợt CD”.

Chị Nguyễn Thị Hiền - CTV ấp Vườn Cò, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, cho biết: “Địa bàn tôi quản lý có 105 hộ gia đình, trong đó có 72 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Người dân đa phần làm nông, muốn đông con cháu để có thêm lao động nên việc vận động rất khó khăn. Ngoài ra, với những phụ nữ làm công nhân, khi được tuyên truyền về lợi ích của việc khám phụ khoa, siêu âm, tầm soát ung thư vào các đợt CD, dù rất muốn đi nhưng khó có thể xin nghỉ phép. Chúng tôi chủ động lập danh sách, báo cáo cấp trên liên hệ tạo điều kiện giúp họ được tham gia vào những ngày có đội lưu động cung cấp dịch vụ CSSKSS”.

Quả thật, với những nỗ lực không chỉ riêng của ngành DS-KHHGĐ mà còn có sự quan tâm sâu sát của cả hệ thống chính trị nên nhận thức của người dân ngày càng tốt hơn, SKSS phụ nữ được bảo đảm, chất lượng DS được nâng cao.

Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Phương Tâm thông tin: “Trước đây, nhiều phụ nữ còn tâm lý chủ quan, cho rằng không có bệnh thì không nhất thiết phải khám phụ khoa định kỳ. Tuy nhiên, với những người đã sinh đẻ, trên 35 tuổi hoặc đang trong thời kỳ tiền mãn kinh, việc khám phụ khoa định kỳ ngoài được tư vấn SKSS, BPTT an toàn, các chị em còn được tầm soát, ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý, đặc biệt là UTCTC,... Cụ thể, CD đợt 01-2017 vừa qua, trong 1.900 phụ nữ tham gia, Thủ Thừa phát hiện 6 người dương tính được chuyển lên tuyến trên tầm soát UTCTC. Trong đó, 2 người được chẩn đoán bị UTCTC sớm và điều trị kịp thời”.

Qua mỗi đợt CD, nhận thức và hành vi về CSSKSS của người dân có sự chuyển biến rõ rệt. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tự nguyện sử dụng các BPTT, dừng lại ở 2 con để chăm sóc và nuôi dạy tốt. CD giúp phụ nữ xóa bỏ tâm lý e ngại trước đây, luôn sẵn sàng tham gia CD để có cơ hội được thăm khám, tư vấn, góp phần nâng cao SKSS, cải thiện chất lượng giống nòi.

Tính đến ngày 15/9/2017, tổng số ngày cung cấp gói dịch vụ KHHGĐ và gói điều trị viêm nhiễm đường sinh dục tại 170 xã (gồm 167 xã điểm và 3 xã mở rộng) là 58/188 ngày, đạt 31% kế hoạch. Nhìn chung, công tác triển khai Chiến dịch đợt 02/2017 được các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh./.

Ngọc Mận-Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết