Tiếng Việt | English

09/08/2015 - 09:39

Quấy rối tình dục trên xe buýt: Im lặng là thỏa hiệp

Học sinh, sinh viên thường lựa chọn xe buýt là phương tiện đi lại, tuy nhiên không ít người bị quấy rối tình dục trên xe buýt mà không dám nói với ai.

Người bị quấy rối đa số là phụ nữ

Em Nguyễn Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi lên cấp II phải học xa nhà, em đi xe buýt tới trường, bởi bố mẹ không cho đi xe đạp vì sợ không an toàn.

Hỏi Hạnh đã từng bị quấy rối tình dục (QRTD) trên xe buýt chưa, Hạnh trả lời: “Đôi khi em bị trêu ghẹo, bị nhìn chằm chằm, hay lúc xe đông khách thì có thanh niên ngả người vào, em không biết như vậy có phải là QRTD không?”.

Chị Đào Thị Thu (Cát Bà, Hải Phòng) khẳng định, chị rất hay bị QRTD khi đi xe buýt. “Tôi học Đại học Kinh tế quốc dân nhưng thuê trọ ở quận Long Biên, Hà Nội. Tôi thường đi xe buýt tuyến 18 đến trường. Những hôm xe đông người, thỉnh thoảng lại gặp kẻ “biến thái” cố tình áp “của quý” vào người. Có tên còn lợi dụng lúc đông người sờ soạng, khi mình quay lại cũng không thể đoán biết là ai. Dù có bực tức, tôi cũng chỉ biết chia sẻ với bạn bè chứ có trình báo với cơ quan chức năng thì cũng khó giải quyết được”.


Kẻ xấu thường lợi dụng lúc đông người để QRTD

Hành vi QRTD diễn ra rất nhanh nên thường chỉ người bị quấy rối hoảng sợ, còn người xung quanh hầu như vẫn không biết chuyện gì xảy ra. Tuy vậy, cũng không ít trường hợp người xung quanh thấy chị em phụ nữ bị trêu ghẹo, sàm sỡ, đã làm ngơ vì ngại bị liên lụy.

Bạn Đào Ánh Nguyệt (quận 1, TP HCM) cho biết: “Không ít lần ở trên xe buýt, tôi bị nam thanh niên sàm sỡ, có thằng còn bẹo má, sờ cổ, ôm eo… Tôi chuyển chỗ khác, kẻ đó vẫn theo tôi tiếp tục trêu ghẹo nhưng mọi người trên xe nhìn thấy vẫn thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra. Có phản ánh với anh lái xe cũng chẳng giải quyết được gì nên sau nhiều lần bị quấy rối, giờ đi xe buýt, tôi thường rủ bạn đi cùng, ăn mặc cũng kín đáo hơn để đỡ bị trêu ghẹo”.

Rất ít nạn nhân phản kháng

Hỏi chuyện anh T - lái xe buýt tuyến 42 và anh K - lái xe buýt tuyến số 32 (Hà Nội), hai người có thâm niên lái xe trên chục năm, họ đều cho biết: Không thấy hành khách nào phản ánh đến các anh về tình trạng QRTD trên xe buýt.
Ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Hà Nội, cho biết, trong năm 2014 có hàng nghìn phản ánh về dịch vụ an ninh trên xe nhưng chỉ có 4 trường hợp phản ánh về nạn QRTD. Hà Nội đã cho lắp thí điểm camera trên tuyến xe buýt tuyến số 32, nhưng hành khách cũng cần nâng cao kỹ năng xử lý tình huống khi bị QRTD.
Bà Phạm Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường, một trong những đơn vị tiến hành khảo sát “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái - Nơi giấc mơ thành sự thật”cho biết, các hành vi phổ biến của QRTD là huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể… Khi bị QRTD, không chỉ người bị quấy rối im lặng chịu đựng mà người nhìn thấy, người chứng kiến cũng không có động thái phản ứng nào. Họ im lặng vì việc QRTD diễn ra rất nhanh, không có chứng cứ để tố cáo, nhưng cũng có khi họ cho rằng, hành động quấy rối… là bình thường./.

Minh Thư/VOV.VN

Chia sẻ bài viết