Tiếng Việt | English

19/08/2016 - 15:39

Kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2016) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2016):

Quê hương đổi thay nhiều lắm!

Những ngày Tháng Tám lịch sử, phóng viên có dịp gặp lại các bậc cao niên để nghe các cụ kể về sự thay đổi của quê hương sau 71 năm, kể từ khi cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2016) thành công, cũng như sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

1. Bà Trần Thị Ánh, 80 tuổi, ngụ ấp Tây Nam, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An:

Bà Trần Thị Ánh

Bà con giờ đây đã cơm no, áo ấm, không còn chịu cảnh phải ăn rau, khoai độn như trước nữa. Qua tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành, đoàn thể, người dân nơi đây biết chăm chỉ làm ăn, dành dụm tiền lo cho con học hành đến nơi đến chốn và xây dựng nhà cửa khang trang.

Chúng tôi có được ngày hôm nay là do biết đoàn kết, một lòng theo Ðảng, theo Bác Hồ. Tân Hòa hiện nay, mỗi năm làm 3 vụ lúa, năng suất từ 7 -10 tấn/ha và trồng sen lấy ngó, lấy gương, thu nhập ổn định, chứ không còn là vùng đất chết bởi “mưa bom bão đạn” của những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Điện, nước, đường sá, trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang. Các trạm y tế đều có bác sĩ nên ngày càng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

2. Bà Võ Thị Ai, 79 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An:

Tôi sống từng tuổi này nên tận mắt chứng kiến nhiều đổi thay của quê hương. Trước đây, đất nước bị chiến tranh, người dân sống cảnh nghèo khổ, phải bôn ba khắp nơi vì giặc càn quét. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đời sống của người dân ngày càng nâng lên rõ rệt.

Nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và thu hoạch Ảnh: Tấn Tú

Hiện nay, nông dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nông sản, năng suất đạt cao hơn trước. Ngoài ra, các ngành nghề và mua bán cũng phát triển. Nhiều công trình như điện, đường, trường, trạm được tăng cường, phát triển.

Ngoài ra, Nhà nước còn đặc biệt quan tâm xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ cho gia đình nghèo, cận nghèo, neo đơn và gia đình chính sách. Đặc biệt, từ khi thực hiện chủ trương về xây dựng xã nông thôn mới, xã văn hóa, các tuyến đường liên xã, liên xóm, ấp được Nhà nước vận động nhân dân cùng thực hiện láng nhựa, bê tông hóa. Từ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đã giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

3. Ông Trần Thiên Phúc, người cao tuổi, ngụ ấp Chánh Nhứt, xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An:

Ông Trần Thiên Phúc.

Trước đây, xã Long Phụng còn gặp nhiều khó khăn, người dân sống chủ yếu từ nghề nông. Từ khi xây dựng nông thôn mới, Long Phụng thay đổi diện mạo, đời sống người dân ngày càng cải thiện.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; do vậy, bà con nhiệt tình chung tay, góp sức, đóng góp tiền làm đường bê tông thay cho những con đường đất, đá đỏ lầy lội vào mùa mưa.

Những vùng sâu ven sông, ven tuyến đê cũng đã hoàn thành đường bê tông qua từng xóm, ấp đến từng nhà, thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, đi lại dễ dàng hơn. Quê hương Long Phụng thật sự đổi thay từng ngày. Tôi và bà con sống mấy chục năm nơi đây rất vui mừng và phấn khởi.

4. Ông Nguyễn Văn Tuấn, người cao tuổi, ngụ ấp Đình, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An:

Ông Nguyễn Văn Tuấn.

Hệ thống giao thông nông thôn nơi đây trong suốt thời gian chiến tranh không được quan tâm xây dựng; khu vực này bị ngập bởi triều cường, nên cư dân đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng.

Ngày nay, nhờ được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chung sức nhân dân, hệ thống đường giao thông nông thôn và đường trong khu trung tâm xã được hoàn thiện mở rộng. Trường học khang trang, kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân. Tân Chánh hôm nay đã đổi thay, được công nhận nông thôn mới, là tiền đề để phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống của người dân.

5. Bà Thiềm Thị Điều, 89 tuổi, ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An:

Trước giải phóng, cuộc sống khổ cực lắm, vì chiến tranh người dân phải chạy giặc từ hết nơi này đến nơi khác; buổi tối thường không ngủ được vì súng bắn ầm ầm, mỗi khi nghe tiếng máy bay là chui xuống hầm.

Quê hương Tân An ngày càng đổi mới, phát triển. Ảnh: Tấn Tú

Giờ hòa bình rồi không còn cảnh phải chạy từ hết nơi này đến nơi khác, mỗi khi ngủ không còn thấp thỏm lo sợ nữa. Buổi tối thường có mấy chú công an đi tuần tra bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.

6. Bà Nguyễn Thị Tui, 87 tuổi, ngụ phường Tân Khánh, TP.Tân An, tỉnh Long An:

Nhớ lại trước kia, đồng bào mình khổ lắm, toàn ăn độn, độn chuối, độn khoai lang, khoai mì,… miễn no bụng là được. Quần áo thì rách rưới chứ đâu được lành lặn như giờ, rồi đâu có được học hành gì nhiều, buổi tối xài đèn dầu mù u, chứ đâu có điện.

Đường phố sạch đẹp, văn minh. Ảnh: Tấn Tú

Bây giờ sướng quá, có đèn điện, đường sá thì nhựa hết, mỗi khi đâu thì có xe này xe nọ chứ hồi đó đi bộ không. Cuộc sống giờ tốt hơn nhiều lắm, nhà ai cũng có truyền hình, mấy đứa nhỏ thì được học hành tử tế!

Ngọc Mận - Thanh Dung - Hùng Anh

Chia sẻ bài viết