Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 11/2021/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và quyết định tại phiên họp thứ 6 vừa qua.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất theo quy trình tại một kỳ họp 1 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết.
Đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
Nghị quyết cũng nêu rõ cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Theo đó, Chính phủ trình Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ là cơ quan trình. Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra dự án Luật; Ủy ban Pháp luật thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong dự án Luật; Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực; Ủy ban Tư pháp thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra.
Với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Chính phủ trình và Ủy ban Tài chính - Ngân sách là cơ quan chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2021./.
Ngọc Thành/VOV.VN