Vụ vỡ hụi hơn 7 tỉ đồng xảy ra tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa khiến hàng chục hụi viên bức xúc
Hàng loạt quy định mới về hụi
NĐ 19/2019/NĐ-CP gồm 5 chương, 28 điều quy định rất chi tiết về việc chơi hụi. Trong NĐ này có rất nhiều nội dung mới, đáng lưu ý. Việc NĐ mới về hụi thay thế cho NĐ số 144/2006/NĐ-CP, ngày 27/11/2006 của Chính phủ cho thấy tính cấp bách của việc ban hành những quy định chi tiết trước việc chơi hụi diễn ra rất phổ biến hiện nay. NĐ này cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm bớt tình trạng vỡ hụi, giật hụi gây bức xúc trong nhân dân thời gian qua.
Theo NĐ 19, việc chơi hụi hiện nay phải được thể hiện bằng văn bản, văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Trong đó, người tham gia chơi hụi là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Đối với người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Đối với chủ hụi, phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.
Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác. Trong khi đó, NĐ số 144 năm 2006 quy định hình thức chơi hụi có thể bằng văn bản hoặc có thể được thỏa thuận bằng lời nói.
Mở dây hụi phải thông báo với chính quyền địa phương. Đây là quy định mới trong NĐ 19/2019/NĐ-CP, việc mở dây hụi phải thông báo cho chính quyền địa phương sẽ là cơ sở pháp lý để chính quyền địa phương có thể theo dõi, quản lý việc tổ chức dây hụi cũng như làm căn cứ để xử phạt hành chính người vi phạm.
Theo quy định tại Điều 14, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Nội dung văn bản thông báo phải bao bồm: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi và tổng số thành viên. Trong trường hợp chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ quy định thông báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, NĐ 19/2019 cũng quy định cụ thể mức lãi suất (LS) trong hụi có lãi và mức LS này không được vượt quá 20%/năm. Nếu như trước đây, tại NĐ 144 chỉ quy định LS hụi có lãi thực hiện theo Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Theo quy định cũ, mức LS hụi có lãi do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 150% của LS cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Trong khi đó, với quy định mới, LS trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi. Trường hợp LS theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá LS giới hạn quy định thì mức LS vượt quá không có hiệu lực.
Đặc biệt, trong NĐ 19/2019, quy định vấn đề giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm được xem là bước đột phá trong quản lý hụi hiện nay. Nếu quy định trước đây, các tranh chấp về hụi chỉ đưa ra một cách thức giải quyết là khởi kiện án dân sự thì quy định mới, những người chơi hụi, chủ hụi còn có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự khi có sai phạm.
Theo đó, trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.
Quy định mới có khống chế được tình trạng vỡ hụi?
Đối chiếu theo những quy định tại NĐ 19/2019 thì việc chơi hụi sẽ được quản lý chặt chẽ hơn và sẽ khắc phục được tình trạng vỡ hụi, lợi dụng hụi để huy động vốn trái pháp luật đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.
Tuy nhiên, thực tế những người đang tham gia chơi hụi hiện nay vẫn còn rất chủ quan. Hầu hết việc tham gia chơi hụi là tự phát, dựa theo uy tín, sự tin tưởng từ chủ hụi chứ chưa tuân theo những quy định hiện hành.
Từ đó, tình trạng vỡ hụi vẫn xảy ra liên tục trong thời gian qua. Trong số các vụ vỡ hụi tại Long An, vụ vỡ nhỏ có con số hàng trăm triệu đồng, vụ lớn lên tới hàng chục tỉ đồng. Những người chơi hụi phần nhiều là người có hoàn cảnh khó khăn, tích góp tiền, thậm chí vay mượn thêm để tham gia chơi hụi do LS từ hụi hiện nay tương đối cao và cao hơn rất nhiều so với mức quy định 20% như trong NĐ 19/2019.
Điển hình như: Vào năm 2014, trên địa bàn huyện Đức Hòa liên tục xảy ra các vụ vỡ hụi. Đó là trường hợp 2 chủ hụi là bà Hồ Thị Hừng và Nguyễn Thị Dạo, đều ngụ xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tuyên bố vỡ hụi với số tiền gần 30 tỉ đồng; hay vụ việc tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, chủ hụi Huỳnh Kim Lợi cũng tuyên bố vỡ hụi với số tiền hơn 7 tỉ đồng khiến người dân không khỏi bức xúc. Hàng chục lá đơn được các hụi viên gửi đến cơ quan chức năng tố cáo nhưng quy định cũ chỉ xem đây là giao dịch dân sự khiến vụ việc trở nên bế tắc, các hụi viên chỉ còn cách gửi đơn lên tòa án nhân dân mong được xem xét lấy lại phần hụi đã đóng nhưng cũng chẳng biết khi nào mới lấy được.
Theo chị N.T.C, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, mặc dù có rất nhiều trường hợp vỡ hụi, giật hụi nhưng số người tham gia chơi hụi vẫn rất đông bởi mức LS hấp dẫn. “Nếu tham gia 1 dây hụi với số tiền 2 triệu đồng/tháng thì các hụi viên chỉ phải đóng góp 1,5 triệu đồng/tháng, thậm chí thấp hơn” - chị C. cho biết. Theo chị C., hầu hết người chơi hụi đều chưa quan tâm đến các quy định của pháp luật, việc chơi hụi chủ yếu do mối quen biết, sự tin tưởng lẫn nhau. Còn bà N.T. P. thì khẳng định, việc chơi hụi hiện nay không phải đăng ký, báo cáo với địa phương như quy định mặc dù tổ chức chơi nhiều dây hụi. Chị P. cho hay: “Cứ đến ngày thu hụi là có người tới gom hụi hoặc trực tiếp đi đóng hụi cho chủ. Mức LS cũng khác nhau tùy theo từng chủ hụi. Thậm chí, các hụi viên trong cùng dây hụi có khi còn không biết nhau”. Chính từ việc chơi hụi tự phát như hiện nay, nguy cơ vỡ hụi, giật hụi vẫn còn tiềm ẩn và khi xảy ra, người chịu thiệt thòi sẽ là các hụi viên.
Theo Thạc sĩ Luật - Nguyễn Văn Tiệt, NĐ 19/2019 mới ban hành và có hiệu lực bắt đầu từ tháng 4/2019 đã quy định tương đối chặt chẽ việc chơi hụi, tổ chức chơi hụi. Điều quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân cũng như chính quyền địa phương cần có giải pháp quản lý chặt chẽ việc chơi hụi và tổ chức chơi hụi. Có như vậy việc chơi hụi mới được kiểm soát chặt chẽ và tránh được tình trạng vỡ hụi, giật hụi xảy ra như trong thời gian qua./.
Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi”. |
Kiên Định