Tiếng Việt | English

07/11/2016 - 16:10

Quy định mới về giao thông có hiệu lực từ 1/11/2016

Bắt đầu từ 1/11/2016, Thông tư số 6/2016/TT-BGTVT, ngày 8/4/2016 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ" QCVN 41/2016/BGTVT có hiệu lực thi hành.

Theo Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Đại tá Lê Văn Công, Quy chuẩn 41/2016 chính thức thay thế Quy chuẩn 41/2012, làm rõ một số vấn đề trong tham gia giao thông về biển báo, đèn tín hiệu và vạch kẻ đường. Theo đó, nhiều quy định chưa rõ ràng, dễ gây tranh cãi giữa người tham gia giao thông và cảnh sát giao thông được sửa đổi. Cụ thể:

- Biển báo cấm rẽ phải/trái không có hiệu lực cấm quay đầu, trừ khi có biển phụ ghi rõ ràng hoặc có biển cảnh báo rõ ràng.

- Đi khác làn trên cùng chiều không bị coi là vượt phải: Quy chuẩn 41/2016 ghi rõ: Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau là tình huống giao thông mà các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn hai làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau, miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường. Khi chuyển làn phải có tín hiệu. Như vậy, ở đường mà một chiều có từ hai làn đường trở lên thì không thể bắt lỗi vượt phải.


Có nhiều biển báo ở cầu Tân An “làm rối” người tham gia giao thông

- Xe bán tải chở dưới 1,5 tấn được coi như xe con: Trên thực tế, xe bán tải được ngầm hiểu là có thể hoạt động như xe con (không bị cấm giờ, cấm đường như xe tải). Quy chuẩn mới quy định rõ, xe bán tải có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn (ghi theo giấy đăng kiểm) và từ 5 chỗ trở xuống được xem là xe con.

- Biển báo khu dân cư phải được nhắc lại ở mỗi giao lộ: Trước đây, nhiều lái xe thường không rõ hết khu dân cư hay chưa sau khi đi cả một quãng đường dài không có biển báo. Điều 38, Quy chuẩn 41/2016 ghi rõ: Nếu đoạn đường phải thi hành biển hiệu lệnh có hiệu lực rất dài thì tại các nơi đường giao nhau, biển hiệu lệnh phải được nhắc lại, đặt ngay sau nơi giao nhau theo hướng đường đang có biển hiệu lệnh. Nếu không có biển nhắc lại thì biển hiệu lệnh được mặc nhiên xem là hết hiệu lực.

- Không được đè vạch liền cùng chiều: Quy chuẩn mới tách thành các nhóm vạch dành cho hai chiều xe chạy và vạch dành cho xe chạy cùng chiều. Theo đó, người lái xe sẽ bị phạt nếu đè vạch liền hoặc lấn làn qua vạch liền trong cùng một chiều.

- Biển báo phải được cắm ở 2 bên đường hoặc trên cao: Trước đây, biển báo chỉ cắm ở bên phải lề đường, nên xe chạy ở làn bên trái nhiều khi bị chắn tầm nhìn, không thể quan sát, bị xe tải, xe buýt che khuất.

Quy chuẩn 41/2016 quy định, trên những đường xe chạy với tốc độ cao và có nhiều làn đường, biển có thể treo ở phía trên phần xe chạy; có thể đặt biển hướng dẫn cho từng làn đường và biển được treo trên giá long môn (là khung treo biển báo phí trên mặt đường). Trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ hai làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Trong các trường hợp không đặt trên giá long môn hoặc cột cần vươn (là một dạng kết cấu treo biển báo hoặc đèn tín hiệu giao thông dạng cột bên đường có cần vươn ra đường), thì có thể lắp đặt thêm biển báo phía bên trái của chiều xe chạy.

- Tham gia giao thông khi thấy đèn vàng: Theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/11/2016, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau. Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu, vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực được quy định.

Quy chuẩn 41/2016 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2016./.

Ngọc Lan

Chia sẻ bài viết