22/10/2016 - 05:30

Nhanh chóng khắc phục những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông

Hiện nay, khi lưu thông trên các tuyến đường bộ, không chỉ căng thẳng vì số lượng phương tiện giao thông quá nhiều, chuyên chở quá khổ, quá tải, người điều khiển phương tiện không chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) mà người tham gia giao thông còn rất lo lắng vì kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp, có nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông (TNGT).


Nước đọng trên Quốc lộ 1 (đoạn có cống thoát nước) do không nạo vét miệng cống thường xuyên

Kết cấu hạ tầng không theo kịp nhu cầu giao thông

Bất cập dễ thấy nhất hiện nay là tình trạng hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng phương tiện giao thông. Một số tuyến đường như: Đường tỉnh (ĐT) 816 (Bình Đức-Bình Hòa Nam), ĐT817 (Vàm Thủ-Bình Hòa Tây), kể cả Quốc lộ (QL) 62 hiện quá nhỏ hẹp, xe lớn, nhỏ chen lấn, nhất là trong giờ cao điểm, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Mặt khác, nhiều tuyến đường tải trọng 10 tấn, nhưng cầu chỉ có 8 tấn là “nghịch lý” mà ngành Giao thông Vận tải (GTVT) cần sớm khắc phục.

Trên QL1 (đoạn qua tỉnh Long An khoảng 30km), điều dễ nhận thấy nhất là tình trạng 2 bên lề đường sụt lún từng vệt dài do xe tải nặng đậu, đỗ gây ra. Đặc biệt, tại quãng hở trên các tuyến đường có dải phân cách cứng, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hơn vì khi xe tải, container quay đầu buộc phải lấn vô lề đường, nhưng do lề đường chủ yếu là nền đất, chưa được gia cố nên hiện tượng sụt lún xảy ra là tất yếu. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trên tuyến QL1 mà ngay cả trên ĐT827 cũng xảy ra.

Trên tuyến QL1, dù được lắp đặt hệ thống thoát nước khá hoàn chỉnh nhưng nhiều nơi, nước vẫn ngập, gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi đường. Trước thực trạng này, UBMTTQ Việt Nam xã Long Hiệp, huyện Bến Lức kiến nghị: "Đơn vị quản lý QL1 (đoạn qua xã Long Hiệp) cần thường xuyên nạo vét miệng cống, hố ga trong mùa mưa, vì khi mưa lớn, nước ngập toàn bộ phần đường dành cho người đi môtô, xe máy, xe đạp, buộc họ phải lấn ra làn đường dành cho xe ôtô, rất dễ xảy ra TNGT".

Không riêng gì xã Long Hiệp, nhiều đoạn trên QL1 cũng rơi vào tình trạng này. Bên cạnh đó, một số tuyến đường cho lắp cống dọc lộ thiên, mặc dù việc thi công nhanh, ít tốn kém nhưng hậu quả để lại khá nhiều: Đó là tình trạng gây ô nhiễm môi trường (do không có người dọn dẹp thường xuyên), mùi nước cống bốc lên hôi thối, nhiều đoạn nắp cống vỡ nát do xe tải nặng cán lên, gây mất vẻ mỹ quan và là “cái bẫy” cho người tham gia giao thông. Chẳng hạn như tại chân cầu Bến Lức - QL1, chân cầu Bắc Đông - QL62 và một số tuyến khác.

Một bất cập khác là hiện nay, tình trạng biển báo hiệu về giao thông bị biển quảng cáo, công trình xây dựng và cây cối che khuất; người điều khiển phương tiện phải "căng mắt" nhìn, trong lúc phải điều khiển phương tiện trong tình trạng mật độ giao thông quá đông đúc; thậm chí, có nhiều biển báo bị che khuất hẳn nên lái xe không nhìn thấy; việc này có nguy cơ gây TNGT rất cao vì lái xe không chấp hành biển báo hiệu. Nhiều tuyến đường nhánh kết nối với tuyến chính cũng không có biển báo hiệu. Tại một số vị trí, đơn vị thi công cho lắp quá nhiều biển báo khiến lái xe không quan sát kịp nội dung (như ngay chân cầu Tân An 1 - QL1).


Có quá nhiều biển báo hiệu (ảnh chụp dốc cầu Tân An 1)

Cần có những giải pháp hữu hiệu

Theo Phó Trưởng ban ATGT tỉnh - Phùng Văn On, vào mùa mưa, trên QL1 và QLN2, nhiều người dân phản ánh tình trạng nước đọng gây hư hỏng nền đường, mặt đường, gián tiếp gây TNGT. Ban ATGT tỉnh nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý và yêu cầu đơn vị có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường này phải thường xuyên kiểm tra, nạo vét, bảo đảm thoát nước khi mưa lớn, tránh gây lãng phí khi đầu tư hệ thống thoát nước mà nước không thoát được.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đường bộ phải thường xuyên phối hợp Ban ATGT tỉnh và các đơn vị, địa phương có tuyến QL đi qua kịp thời giải quyết thỏa đáng những vướng mắc về kết cấu hạ tầng. Cụ thể như tuyến tránh TP.Tân An cần có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị duy tu, bảo dưỡng và các đơn vị quản lý khu dân cư ven tuyến này để bảo đảm thoát nước trên QL1 ra sông Vàm Cỏ Tây, khắc phục tình trạng ngập nước, sụp lún,... bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Chính quyền địa phương (nơi có tuyến đường đi ngang qua) và cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra GTVT xử lý kịp thời vi phạm về san lấp nền cao hơn mặt đường mà không có hệ thống thoát nước, tự ý xây dựng đường kết nối mà không thông báo cho cơ quan thẩm quyền, đặt biển quảng cáo, trồng cây, xây cất công trình,... làm che khuất biển báo hiệu, che khuất tầm nhìn tại những khúc cua nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến TNGT.

Theo Đội Quản lý trật tự đô thị-Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Thạnh Hóa: Để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, gây nguy cơ mất ATGT, ngành chủ quản và địa phương nên phối hợp xây đường gom ven các tuyến QL, nếu chưa đủ kinh phí thì nên xây đường gom tại một số vị trí phức tạp, có đông dân cư, có chợ tự phát để từng bước giải quyết tình trạng này.

Ông Phùng Văn On cho biết thêm: Về lâu dài, nên mở rộng các tuyến QL, nhất là QL1 để người điều khiển phương tiện môtô, xe máy, xe đạp, xe thô sơ có làn đường riêng, có dải phân cách cứng, không lấn vô làn xe ôtô. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất TNGT.

Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền nên xem xét việc xây dựng các khung thép lớn, có chiều cao trên 5m, gắn biển báo hiệu quan trọng ngay phía trước mặt người lái xe như: Tốc độ tối đa cho phép, bảng hướng dẫn chỉ đường, cảnh báo những khu vực nguy hiểm,... cho người điều khiển phương tiện trên các tuyến đường bộ biết. Giải pháp này giúp người điều khiển các loại phương tiện khác nhau dễ dàng quan sát biển báo hiệu. Ngoài ra, việc xây dựng biển báo hiệu kiểu này (đã áp dụng ở các nước tiên tiến) còn góp phần ngăn chặn hiện tượng các xe quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ./.

Hải Đăng

Chia sẻ bài viết