Hối hả vào xuân
Theo Quốc lộ 50, qua cầu Kinh Nước Mặn, chúng tôi đến xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nơi đây có nghề làm bánh in truyền thống từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân địa phương. Vừa dừng xe ở đầu xóm, chúng tôi có thể nghe tiếng máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn và đặc biệt là mùi thơm nức mũi của nếp mới, gừng, đậu xanh,...
Những ngày cận tết, cả gia đình bà Võ Thị Muội - chủ Cơ sở Bánh in Oanh Muội (ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông), phải làm việc hết công suất để kịp giao bánh cho khách. Tết năm nay, cơ sở của bà Muội sản xuất khoảng 1.500 bánh in theo đơn đặt hàng.
Những ngày cận tết, gia đình bà Võ Thị Muội làm việc hết công suất để kịp giao bánh cho khách
Được biết, nghề làm bánh in của gia đình bà Muội được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để làm ra những chiếc bánh đậm đà hương vị quê hương thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên, gia đình bà Muội vẫn theo đuổi và sống bằng nghề này. Qua đôi bàn tay khéo léo cùng bí quyết pha bột, công thức làm bánh gia truyền đã làm nên những chiếc bánh tròn trĩnh, mềm dẻo, thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Cứ 2 giờ sáng là gia đình bà Muội bắt đầu cho một ngày làm việc mới, nào là đổ bánh, đóng gói rồi lại bắt tay vào xào nhân để chuẩn bị cho mẻ bánh tiếp theo. Những ngày này, lò bánh của gia đình bà hoạt động liên tục để kịp tiến độ giao hàng. Một năm bán “chạy” nhất là vào mùa tết nên dù có vất vả nhưng trên nét mặt ai nấy đều vui mừng. Những tiếng nói, cười rộn rã xua tan sự mệt nhọc của nhiều đêm thức khuya, dậy sớm.
Các làng nghề tất bật làm việc để cho ra lò những sản phẩm chất lượng, mang đậm hương vị truyền thống
Vừa nhanh tay đổ bột vào khuôn bánh, bà Muội vừa chia sẻ: “Tôi không nhớ chính xác nghề làm bánh in của gia đình có từ bao giờ nhưng từ nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ làm nghề này. Lớn lên một chút, tôi đã biết phụ làm bánh. Cũng từ đó, tôi theo nghề đến tận bây giờ. Nghề làm bánh in tuy cực nhưng tôi rất vui vì sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ đó, kinh tế gia đình ổn định, tiếp thêm động lực để tôi gắn bó với nghề”.
Mời chúng tôi chiếc bánh in nhân thập cẩm thơm mềm, bà Muội chia sẻ bí quyết để bánh in ngon. Theo đó, khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, cũng cần thực hiện tốt khâu xào nhân, đổ bánh. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Muội sản xuất khoảng 100 chiếc bánh in. Riêng những tháng cuối năm, số lượng bánh tăng lên rất nhiều lần. Năm nay, giá một số nguyên liệu đầu vào tăng nhưng bà Muội vẫn giữ giá bánh ổn định là 40.000 đồng/cây bánh (5 cái).
Rộn ràng mùa mứt tết
Trở lại xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, thoang thoảng mùi thơm của mứt gừng, mứt me quyện trong gió, chúng tôi cảm nhận tết đang đến thật gần. Làm mứt tết đã trở thành nghề truyền thống của người dân nơi đây. Nổi bật nhất là mứt me và mứt gừng vang danh khắp nơi, là món quà không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về. Hiện xóm làm mứt truyền thống của xã Lạc Tấn có khoảng 10 hộ sản xuất. Thời điểm này, không khí lao động ở xóm làm mứt khá náo nhiệt. Bếp nhà nào cũng đỏ lửa để kịp cho ra lò những mẻ mứt thơm ngon. Ngoài sân phủ kín những khay mứt được phơi nắng.
Mứt gừng vàng óng được phơi nắng
Gia đình anh Tôn Thọ Thanh Sơn là một trong những hộ có “thâm niên” làm mứt tết tại ấp 5, xã Lạc Tấn. Anh Sơn cho biết: “Gia đình tôi làm mứt hơn 20 năm nay. Từ tháng 8 Âm lịch là tôi bắt đầu tìm nguồn nguyên liệu. Để có một mẻ mứt gừng ngon phải chọn những củ lớn, không quá non cũng không quá già. Trước đây, người làm mứt thường ngâm gừng với muối, xăm cho bớt vị cay rồi mới sên đường và phơi. Hiện nay, làm theo cách mới, tôi cho gừng vào tủ lạnh 24 giờ, sau đó đem ra xả lại rồi mới xăm. Cách làm này giúp mứt gừng ngon, đẹp mắt hơn. Lúc sên mứt gừng phải chú ý gia giảm lượng đường và nước sao cho không quá loãng hoặc đặc. Cứ 1kg gừng, tôi sên 1kg đường và phơi khoảng 15 ngày hoặc nhiều hơn, tùy vào thời tiết”.
Ngoài mứt gừng, gia đình anh Sơn còn làm mứt me. Vào mỗi dịp tết, gia đình anh thường làm từ 200-300kg mứt me. Tuy nhiên, năm nay, do nguồn me thiếu hụt, giá cả tăng khoảng 30% so với năm trước nên sản lượng mứt ra lò giảm rất nhiều. Hiện giá mứt gừng thành phẩm dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg, mứt me từ 130.000-140.000 đồng/kg.
Để có đủ nguyên liệu gói bánh tét mùa tết, người dân các làng nghề phải chuẩn bị từ sớm
Bên cạnh mứt tết, bánh in, những cơ sở làm bánh tét, bánh ít cũng rục rịch vào mùa. Bà Nguyễn Thị Kiều Mai - chủ Lò bánh tét Chín Mai (xã Bình An, huyện Thủ Thừa), cho biết: “Bánh tét không chỉ là món ăn không thể thiếu mà còn là món quà ý nghĩa vào mỗi dịp tết. Để có đủ nguyên liệu làm bánh mùa tết, tôi phải chuẩn bị từ sớm. Muốn bánh tét ngon thì khâu chọn nếp, trộn nguyên liệu rất quan trọng để nếp dẻo và nguyên liệu kết hợp lại vừa miệng. Ngoài ra, khâu buộc bánh cũng phải chắc tay thì đòn bánh tét mới đẹp mắt, không bị bung ra trong lúc nấu”.
Những khúc nhạc vui bắt đầu vang lên khắp nơi báo hiệu một mùa xuân mới. Người dân các làng nghề tiếp tục sứ mệnh giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Họ đang tất bật với công việc để làm ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm hương vị của quê hương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp xuân về./.
Vào đầu năm mới, mời nhau chút mứt ngọt ngào thơm thảo như cầu chúc mọi điều hanh thông, thuận lợi là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chính vì vậy, dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bánh, kẹo ngoại nhập cũng như công ty trong nước sản xuất với bao bì rất bắt mắt nhưng tôi vẫn chuộng các món mứt truyền thống, bởi hương vị rất riêng không lẫn với bánh, kẹo sản xuất công nghiệp”.
Bà Huỳnh Thị Thanh Hà (xã Long Trì, huyện Châu Thành)
Tết này, tôi làm khoảng 100kg mứt gừng theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài địa phương. Dù ngày nay có các dây chuyền sản xuất mứt hiện đại, năng suất cao nhưng tôi vẫn làm mứt theo phương pháp thủ công để hương vị mứt truyền thống được lưu truyền. Trong quá trình làm mứt, tôi luôn đặt vấn đề an toàn thực phẩm lên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Bà Võ Thị Sánh (ấp 4, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ)
|
Huỳnh Hương