Tiếng Việt | English

12/01/2022 - 10:16

Tết sớm trên những làng nghề truyền thống

Tết đến, xuân về cũng là lúc những làng nghề truyền thống như làm mứt tết, bánh tét, bánh tráng,... lại trở nên nhộn nhịp hơn, góp phần mang hương sắc mùa xuân đến sớm với mọi người, mọi nhà.

Xóm bánh tét nhộn nhịp vào xuân

Ở miền Bắc, ngày tết có chiếc bánh chưng, bánh dày, còn miền Nam có bánh tét để cúng ông bà, tổ tiên. Cứ thế, đến hẹn lại lên, mỗi dịp tết đến, xuân về, gia đình bà Ngô Thị Ánh Hồng (chủ Cơ sở bánh tét Cô Bé, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) huy động hàng xóm đến nhà để gói bánh tét mới kịp phục vụ thị trường tết. Mọi người vừa nói, cười rôm rả, vừa nhanh tay hoàn thành các công đoạn để chuẩn bị gói bánh.

Bánh tét là món bánh đặc trưng của Tết Cổ truyền ở miền Nam

Bà Ánh Hồng bộc bạch: “Gia đình tôi mấy đời sống bằng nghề gói bánh tét, thế hệ này truyền đến thế hệ sau. Ngày thường, gia đình cung cấp cho thị trường khoảng 100 đòn bánh tét, với giá 60.000 đồng/đòn. Những ngày cận tết, đơn hàng nhiều, gia đình tôi phải thuê thêm 10 người mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Bình quân mỗi dịp tết, gia đình tôi gói hơn 6 tấn nếp, với hàng chục ngàn đòn bánh”.

Thương hiệu bánh tét Cô Bé được nhiều người biết đến, bởi không chỉ mang đậm hương vị quê nhà mà mẫu mã, bao bì còn rất đẹp mắt, nhất là được UBND tỉnh công nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bánh tét Cô Bé có nhiều loại nhân như thập cẩm, chuối, ba rọi, thịt,...

Bà Đinh Thị Thai (thợ gói bánh tét, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) bộc bạch: “Muốn có đòn bánh tét vừa đẹp, vừa ngon, người thợ làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn. Lá chuối gói bánh phải to bản, không rách, dây buộc phải chẻ không quá to cũng không quá nhuyễn. Đòn bánh tét phải gói ít nhất 3 lớp lá, nứt bánh phải đều tay, vì không đều tay bánh không đẹp và bị thấm nước, ăn rất bở, còn nếp phải chọn nếp dẻo. Công việc gói bánh chia làm 2 khâu, người đổ nếp và nhân gói sơ, người buộc chặt đòn bánh.

Những ngày cận tết, người gói bánh tét khá vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, ăn tết muộn hơn so với nhiều người nhưng rất vui khi được mang đến hương vị mùa xuân cho nhiều gia đình. Không khí làm việc rất tất bật cũng xua đi những buồn phiền trong cuộc sống để chuẩn bị đón năm mới bình an, hạnh phúc”.

Ngọt ngào vị bánh, mứt tết

Ngược về xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, đến chùa Pháp Vân, các phật tử ở đây đang tất bật làm các loại mứt tết. Không ai bảo ai, mỗi người một công đoạn, một phần việc để cho ra lò những mẻ mứt thơm ngon phục vụ khách hàng. Các phật tử chùa Pháp Vân làm nhiều loại mứt như me, mãng cầu, dừa, bí đỏ, hồng,... Các loại mứt đều được làm thủ công, không sử dụng phẩm màu, hóa chất, nhất là giữ được hương vị đặc trưng của từng loại trái cây. Bình quân mỗi dịp tết, chùa cho ra thị trường khoảng 10 tấn mứt.

Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhiều gia đình làm bánh in để bán

Đại đức Thích Huệ Lực (Trụ trì chùa Pháp Vân) chia sẻ: “Chùa làm mứt chủ yếu là phục vụ nhu cầu của phật tử, với phương châm “lấy công làm lời”. Số tiền lời từ làm mứt sẽ dùng để tặng quà tết cho phật tử có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Để làm ra một loại mứt mới, các phật tử phải trải qua nhiều lần thử nghiệm, từ đó mới quyết định làm hay không”.

Làm bánh in là nghề truyền thống của người dân Long Hựu Đông và Long Hựu Tây, huyện Cần Đước. Dù là chiếc bánh dân dã nhưng cũng không thể thiếu trong mâm bánh ngày xuân của các gia đình. Bà Võ Thị Muội (chủ Cơ sở bánh in Oanh Muội, xã Long Hựu Đông) chia sẻ: “Ngày thường chỉ có vài hộ làm bánh in để bán, còn dịp tết nhà nào cũng làm bánh in, vừa để dùng trong nhà, vừa để kinh doanh. Do đó, không khí làm bánh hối hả, tất bật như báo hiệu mùa xuân mới lại về trên quê hương cù lao Long Hựu”.

Rộn ràng mùa bánh tráng

Những ngày gần tết, khoảng 2 giờ, các lò làm bánh tráng ở khu phố Nhơn Hòa 1, Nhơn Hòa 2, phường 5, TP.Tân An lại rực sáng ánh đèn, bắt đầu cho một ngày làm việc với nhiều công đoạn: Đốt lò, xay bột, tráng bánh, phơi bánh,… Chẳng ai biết nghề làm bánh tráng ở đây có tự bao giờ, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống “cha truyền, con nối”, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hơn 100 hộ dân trong làng nghề.

Bánh tráng sau khi tráng thì được đem phơi nắng

Bánh tráng được làm từ gạo xay nhưng không phải loại gạo nào cũng làm được. Theo đó, người thợ phải chọn loại gạo chất lượng mới có thể làm ra chiếc bánh ngon. Gạo sau khi được chọn phải ngâm cho mềm rồi xay thành bột mịn, sau đó, lọc bỏ nước chua rồi pha bột với nước sao cho không loãng cũng không quá đặc, cuối cùng là tráng bánh thật mỏng rồi đem phơi khô,... Để làm nên một chiếc bánh tráng ngon, đẹp mắt, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu như thế!

Bà Nguyễn Thị Bạch Phượng (hộ sản xuất bánh tráng, khu phố Nhơn Hòa 1) cho hay: “Gia đình tôi có 2 lò bánh tráng, ngày thường chỉ làm 20kg bánh, đến 10 giờ là xong. Riêng dịp tết, gia đình tôi thức dậy lúc 2 giờ sáng và làm đến tận 16 giờ. Công việc tuy vất vả nhưng nghề làm bánh tráng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, nhất là vào dịp tết. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài loại bánh tráng dẻo truyền thống, gia đình tôi còn làm thêm bánh tráng mè, bánh tráng nước cốt dừa để nướng”.

Bánh tráng được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết, bởi chế biến được nhiều món ăn như cuốn thịt luộc chấm nước mắm, cuốn bì, đặc biệt là làm bánh tráng trộn. Bánh tráng trộn là một trong những món ăn vặt nổi tiếng của Long An, được nhiều người biết đến. Đây cũng là món quà đặc biệt trong những ngày tết đến, xuân về.

Lạp xưởng - món ngon ngày tết

Khi nhắc đến huyện Châu Thành, mọi người không chỉ nghĩ đến thanh long mà còn có món lạp xưởng thơm ngon Kim Huệ. Những ngày Tết Cổ truyền, lạp xưởng Kim Huệ không chỉ là món ngon mà còn là món quà gửi tặng người thân, bạn bè.

Lạp xưởng Kim Huệ là món ngon ngày tết,món quà ý nghĩa gửi tặng bạn bè, người thânkhi tết đến, xuân về

Theo bà Lê Thị Huệ (chủ Cơ sở lạp xưởng Kim Huệ, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), nghề làm lạp xưởng của gia đình có từ thời bà ngoại, tính đến nay đã tồn tại hơn 70 năm. Dù dịch Covid-19 làm thu nhập người dân bị ảnh hưởng nhưng số lượng khách hàng đặt lạp xưởng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 không giảm so với mọi năm. Để có được chỗ đứng và lòng tin của khách hàng, bà Huệ có “bí quyết” chế biến lạp xưởng rất riêng, không lẫn với bất cứ loại lạp xưởng nào. Theo đó, nguyên liệu làm lạp xưởng phải tươi ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là sử dụng loại rượu gia truyền có thời gian ngâm ít nhất 3 - 4 tháng.

Chị Tống Ngọc Mỹ Linh (con gái bà Huệ) bộc bạch: “Trước đây, nghề làm lạp xưởng của gia đình chủ yếu là thủ công. Song, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở chuyển sang làm bằng máy móc, thiết bị hiện đại. Đối với gia đình tôi, việc kinh doanh lạp xưởng không chỉ đơn thuần là lợi nhuận mà còn giữ nghề truyền thống của gia đình. Bằng sự tâm huyết, nỗ lực, đến nay, lạp xưởng Kim Huệ được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao”.

Lạp xưởng là món ngon, dễ ăn, chế biến nhanh. Lạp xưởng sau khi mua về, chỉ cần luộc chín và chiên lại bằng mỡ, dầu, nướng hoặc hấp. Khi thưởng thức có thể dùng kèm với dưa leo, rau ngò, củ kiệu,... Do đó, lạp xưởng được xem là món ngon ngày tết, là món quà gửi tặng người thân, bạn bè, mang đậm vị quê hương.

Một mùa xuân mới đang về. Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng những “người thợ” ở các làng nghề vẫn tất bật, tỉ mỉ làm nên những chiếc bánh, mứt thơm ngon phục vụ khách hàng trong những ngày tết, góp phần mang hương sắc mùa xuân đến với mọi nhà, mọi người./. 

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Công ty quà tặng tết Grand Cru - Wine & Gift