Giữ lửa một lò rèn
Nghề rèn ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An một thời nổi tiếng gần xa. Khi đó, hầu như nhà nào trong xóm cũng có 1 miệng lò ngày, đêm đỏ lửa. Xã hội phát triển, người làm nghề rèn ngày một ít dần. Giờ xóm lò rèn chỉ còn hơn 10 hộ giữ nghề truyền thống.
Lò rèn của anh Bùi Qui Phong nằm ngay phía sau nhà. Mỗi ngày, khoảng 6 giờ, cổng và cửa chính nhà anh khép kín, chỉ nghe tiếng búa, đe vang lên đều đặn phía lò rèn. Anh Qui Phong làm nghề rèn đến nay đã hơn 40 năm, từ khi mới 13, 14 tuổi. Từ nhỏ, anh lớn lên trong tiếng búa, đe làm nghề của ông nội, rồi của cha, ngày ngày, nhìn ngọn lửa bập bùng trong lò đốt và nghe những câu chuyện về Tổ nghề mà nội kể. Từ khi nào không biết, anh cảm thấy yêu mến nghề rèn, muốn được gắn bó, nối nghề truyền thống của gia đình.
Anh Qui Phong kể: “Tôi là đời thứ 5 của gia đình làm nghề rèn. Không biết tại sao lại yêu nghề, chắc tiếng búa, tiếng đe đã theo tôi những ngày còn nhỏ nên yêu nghề lúc nào không hay. Nhờ nghề rèn mà vợ chồng tôi gầy dựng cuộc sống ổn định, nuôi con học hành tới nơi, tới chốn. Tôi sẽ làm tới khi nào không làm nổi nữa thì thôi”.
Anh Bùi Qui Phong đang cắt phôi tại lò rèn
Mỗi ngày, sau 8 giờ làm việc, thợ đã về hết, anh Qui Phong nán lại lò rèn, tiếp tục công việc của mình. Có khi, anh chuẩn bị phôi cho buổi làm việc tiếp theo, lúc chỉnh sửa lại một vài lỗi nhỏ trong sản phẩm trước khi giao hàng cho khách hoặc tìm cách cải tiến máy móc để phục vụ tốt hơn cho công việc hàng ngày.
Nhờ có máy móc, công việc của thợ rèn đỡ phần vất vả. Trong lò rèn nhà anh Qui Phong hiện có máy dập, máy đập, máy cắt, máy ép,... Tất cả đều do anh tự mày mò cải tiến để phục vụ công việc. Anh Qui Phong kể: “Máy làm sắt trên thị trường có nhưng máy chuyên dụng làm ra sản phẩm mình cần thì lại khó tìm nên tôi mua máy về rồi tự cải tiến để phù hợp với mục đích công việc”. Những nỗ lực đó được đền đáp bằng việc lò rèn nhà anh trở thành một trong những lò rèn lớn nhất, nhận đơn hàng đều đặn nhất trong vùng.
Những chiếc cuốc, xẻng từ lò rèn nhà anh Phong theo chân thương lái đi khắp các tỉnh miền Tây. Đặc biệt, giai đoạn gần tết là lúc các đơn hàng tăng mạnh, có khi thợ phải tăng ca, làm 10 giờ/ngày mới đủ số lượng hàng giao cho khách.
Sản phẩm cuốc đã hoàn tất tại lò rèn nhà anh Bùi Qui Phong
Nghề rèn có mặt ở Thủ Thừa tự khi nào không ai rõ nhưng lò rèn nhà anh Qui Phong thì đã đỏ lửa đến trăm năm và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Anh Qui Phong không lý giải được tình yêu của mình dành cho nghề, chỉ biết tích lũy dần kinh nghiệm và đặt hết tâm sức vào việc duy trì, phát triển nghề rèn của gia đình.
Giữ gìn ký ức
Rời nhà anh Qui Phong, chúng tôi tìm đến nhà bà Phạm Thị Hảnh (thường gọi là bà ba Hảnh, ấp 4, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ). Bà là 1 trong 2 người cuối cùng ở xã còn giữ nghề đương bàng và cũng là người làm nghề lâu năm nhất, làm được những sản phẩm khó theo yêu cầu của khách hàng. Bà ba Hảnh năm nay 87 tuổi, có hơn 70 năm làm nghề đương bàng.
Gần 90 tuổi, bà ba Hảnh vẫn miệt mài với nghề đương bàng
Ngày trẻ, bà giúp mẹ đương đệm bàng, giỏ bàng. Lớn lên và lập gia đình, bà đương đệm bàng dùng trong nhà, đương cả cặp bàng cho các con đi học. Khi chồng bà tham gia cách mạng, trong hành trang của ông có chiếc nóp bàng do bà tự tay đương. Ông hy sinh khi bà mới 30 tuổi. Nghề đương bàng cùng bà trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nuôi dưỡng các con khôn lớn nên người.
Giờ đây, khi đã ở tuổi “cổ lai hy”, bà vẫn từng ngày miệt mài với những neo bàng. Bà ba Hảnh kể: “Bây giờ, tôi không đương đệm nổi nữa vì đệm lớn quá. Tôi chỉ đương giỏ nhỏ, nhanh hơn nhưng khó hơn đương đệm”. Trong căn nhà nhỏ, bà ba Hảnh dành một góc để mấy neo bàng, khi nào có khách đặt hàng thì lại lấy ra đương hoặc khi rảnh rỗi, bà cũng đương để sẵn trong nhà, phòng khi khách cần hàng gấp.
Gần 90 tuổi, lưng đã còng nhiều, đi lại có phần khó khăn nhưng khi chạm vào sợi bàng, bàn tay bà vẫn thoăn thoắt. Vừa làm, bà vừa mỉm cười, kể đôi câu chuyện liên quan tới những sợi bàng. Để có được chiếc túi đẹp xinh cho khách, người làm nghề như bà ba Hảnh khá vất vả. Bàng tươi chỉ mọc ở bưng, cắt về nhà phơi nắng, giã mềm nhiều lượt mới có thể đương được. Muốn có sản phẩm chất lượng cao, người đương phải lựa từng sợi bàng sao cho đều nhau, đủ chắc nhưng cũng phải đủ mềm, nếu không, sản phẩm làm ra sẽ lỏng lẻo, nhanh hư hỏng.
Từ những neo bàng thế này, qua bàn tay khéo léo của bà ba Hảnh sẽ trở thành túi, ví chắc chắn và xinh xắn
Nhanh tay “vô quai” cho chiếc giỏ bàng nhỏ, bà ba Hảnh nói: “Tôi già rồi, không đi cắt bàng được nên phải nhờ người làm giúp. Quanh quẩn ở nhà không làm gì thì đương, vừa vui tay, vừa có thêm một ít thu nhập”.
Người làm nghề đương bàng ngày một ít đi bởi để có một sản phẩm từ bàng, ngoài đôi tay khéo léo còn cần nhiều công sức nhưng nguồn thu nhập lại không ổn định. Vậy nhưng, bà ba Hảnh vẫn cặm cụi giữ nghề, ngày ngày gửi đến khách gần, xa những chiếc giỏ bàng được chăm chút cẩn thận bởi một người thợ lành nghề, chất phác. Đó như một món quà quê gửi người con xa xứ thay lời nhắc nhở hãy nhớ tới quê nhà cùng những buồn, vui, ấm êm ngày nhỏ. Túi bàng, giỏ bàng hay đệm bàng không còn phổ biến như mấy chục năm về trước nhưng không phải hoàn toàn vắng bóng, bởi đâu đó vẫn còn người “vương vấn” những neo bàng./.
Quế Lâm