Người lao động theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần, tương đương với cứ hai người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội thì một người rời đi. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch, chỉ riêng ba tháng đầu năm đã có gần 209.000 người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần và con số này vẫn còn đang tăng nhanh.
Số người rút bảo hiểm xã hội gia tăng qua từng năm đang tạo thành xu hướng, gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.
"Làn sóng" rút bảo hiểm
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong ba tháng qua, riêng thành phố Hồ Chí Minh có hơn 37.000 người nộp hồ sơ nhận trợ cấp một lần, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Lao động chọn rút bảo hiểm một lần gia tăng vào cùng một thời điểm ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát khiến cơ quan bảo hiểm tại một số địa phương quá tải.
Tính đến hết tháng 3/2022, lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trên cả nước tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những lao động này về già sẽ không có lương hưu, khó đảm bảo cuộc sống, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Cơ quan bảo hiểm xã hội đánh giá đây là thực trạng đáng lo ngại, tác động trực tiếp tới quyền lợi lao động và ảnh hưởng an sinh xã hội khi dân số Việt Nam đang bắt đầu già hóa nhanh.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách-Pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 khiến thu nhập của họ giảm sút và một bộ phận bị mất việc làm. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt, người lao động không nắm rõ quy định và lợi ích của các chế độ bảo hiểm xã hội mà họ được hưởng.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng nhận định số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng phần lớn do tác động của đại dịch trong hơn 2 năm qua. Nhà nước có nhiều gói an sinh xã hội nhưng chưa giải quyết được hết khó khăn cho người lao động buộc họ phải rút bảo hiểm xã hội ra để tiêu dùng. Trong khi đó, điều kiện cho rút bảo hiểm xã hội một lần đang quá dễ dàng nên người lao động đã lựa chọn rút để giải quyết khó khăn trước mắt.
Số lượng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)
Ông Andre Gama, chuyên gia ILO tại Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế là số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dù đã đạt 13,5 triệu song vẫn thấp. Hậu quả là phần lớn lao động không có bất kỳ sự bảo vệ thu nhập nào nếu mất việc làm nên họ chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để đảm bảo an toàn thu nhập ngắn hạn khi phải nghỉ việc.
Rất cần các chính sách hỗ trợ
Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần phải đa dạng các giải pháp hỗ trợ để kịp thời "tiếp sức" cho người lao động, không để họ phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo ông Lê Đình Quảng, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giải pháp cho vay tín dụng với lãi suất thấp, điều kiện vay đơn giản, thuận lợi cho người lao động khó khăn khi mất việc, tránh việc người lao động phải tìm tới tín dụng “đen". Đây cũng là giải pháp hỗ trợ cho người lao động không phải rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn.
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ thông qua vay vốn ưu đãi, trợ cấp khó khăn để người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần.
“Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho lao động vay vốn bằng lãi suất thấp. Trong thực tế, chúng ta đã có Ngân hàng chính sách xã hội đang thực hiện những hoạt động này. Đây là vấn đề mà chính quyền địa phương cần quan tâm và hoàn toàn có thể xử lý được để khuyến khích người lao động chưa vội rút bảo hiểm xã hội một lần," ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Mặc khác, phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội là lao động nữ với khoảng 69% các trường hợp rút năm 2019 là nữ dưới 35 tuổi. Phụ nữ trẻ thường có xu hướng rút khoản tiền này để giải quyết nhu cầu cấp thiết về an sinh như tiêu dùng hoặc làm nguồn kinh phí nuôi dạy con trẻ.
Ông Andre Gama, chuyên gia ILO tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam có thể cân nhắc triển khai trợ cấp trẻ em để giảm áp lực tài chính cho người lao động, đặc biệt lao động nữ đang nuôi con nhỏ, tạo điều kiện cho họ tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động vượt qua khó khăn, các chuyên gia cho rằng để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu thiết kế hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, 10 năm để thu hút hơn đối với người lao động./.
Hồng Kiều (Vietnam+)