Sẵn sàng “đem chuông đi đánh xứ người”
Sau lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II năm 2017 sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Dương từ ngày 8 đến 12/4/2017.
Trước thềm festival, Ban ĐCTT tỉnh tích cực chuẩn bị để mang đến một chương trình đặc sắc, đậm chất Nam bộ nói chung và Long An nói riêng với chủ đề “Ngọc đời Phương Nam” gồm 5 tiết mục hòa đờn ca, hòa tấu, độc tấu, ca ra bộ,...
Ban Đờn ca tài tử Long An tập luyện, chuẩn bị tham gia Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II năm 2017 tại tỉnh Bình Dương
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh - Đặng Thị Uyên Phương: “Ngọc đời Phương Nam” là bức thông điệp gửi đến thế hệ hôm nay hãy gìn giữ, phát huy nhạc tài tử Nam bộ - một viên ngọc quý của vùng đất phương Nam mà cha ông khai sáng và phát triển từ thuở xa xưa. Hơn nữa, khi tham gia festival, các nghệ nhân dân gian (NNDG) và tài tử đờn, ca sẽ được giao lưu; học tập từ các ban ĐCTT của nhiều tỉnh, thành phố khác. Từ đó, mọi người sẽ rèn thêm ngón đờn, giọng ca để nghệ thuật ĐCTT ngày càng mới, phát huy tính sáng tạo trên đất Long An.
"Tiếng đờn, lời ca của Ban ĐCTT tỉnh Long An là lời tri ân với tổ nghiệp, là bức thông điệp về việc gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống mà thế hệ ông cha dày công khai sáng". |
Ngoài ý nghĩa này, festival còn là không gian thể hiện và lan tỏa niềm đam mê đối với những người yêu thích, từng gắn bó với ĐCTT.
Và, để truyền cảm hứng cũng như sự say mê đến người nghe, Ban ĐCTT tỉnh tích cực tập luyện từ 1 tháng trước. Mỗi nghệ nhân, mỗi tài tử dù bận việc riêng, dù sinh sống cách xa nhau nhưng mỗi buổi luyện tập, chẳng có thành viên nào vắng mặt.
Tài tử Hoàng Oanh đang học tập ở TP.HCM nhưng vẫn sắp xếp thời gian ở trường để về Trung tâm Văn hóa Long An tập luyện mỗi tuần. Hoàng Oanh nói rằng: “Em tham gia liên hoan nhiều lần nhưng không vì thế mà chủ quan. ĐCTT không phải lúc nào cũng giống nhau mà lời ca phụ thuộc vào tiếng đờn và tâm trạng nên phải tập luyện thường xuyên để người đờn, người ca tâm đầu ý hợp với nhau khi diễn”.
Trong Ban ĐCTT của tỉnh tham gia festival, có rất nhiều NNDG gạo cội như tay đờn Tấn Khoa, Út Bù, Trung Dung và nghệ nhân ưu tú Kim Thanh.
“Đây là thế mạnh, là thuận lợi nhưng để chương trình tham dự festival trôi chảy và đặc sắc, tất cả thành viên trong ban đều ngồi lại cùng chơi đờn và ca rồi góp ý cho nhau. Ngoài ra, trước khi lên đường đến với festival, ban diễn báo cáo và nghe những lời nhận xét, góp ý của những nhà nghiên cứu ĐCTT ở tỉnh, rút kinh nghiệm những điều chưa hay trong nghệ thuật đờn, ca để điều chỉnh. Có thể nói, sau nhiều ngày tập luyện nghiêm túc, nhiệt tình, Ban ĐCTT Long An sẵn sàng cho hành trình đem chuông đi đánh xứ người" - NNDG Tấn Khoa - Trưởng ban ĐCTT Long An tham gia festival tại tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Chú trọng nhân tố trẻ
Ngoài những “cây đa, cây đề”, đến với Festival ĐCTT Quốc gia lần này, Ban ĐCTT Long An còn có những nhân tố trẻ như tài tử Hoàng Oanh, 19 tuổi và tài tử Huyền Trang, 12 tuổi.
“Với chủ đề “ĐCTT Nam bộ - Bảo tồn và phát triển”, festival không những tôn vinh mà còn hướng đến việc bảo tồn ĐCTT. Vì thế, việc người trẻ tham gia biểu diễn vừa phù hợp với chủ đề liên hoan, vừa thể hiện tính kế thừa đối với nghệ thuật ĐCTT” - NNDG Tấn Khoa cho biết.
Khác Hoàng Oanh, với tài tử trẻ Huyền Trang, đây là lần đầu tiên tham gia chương trình liên hoan ĐCTT quy mô như thế! Tuy có bỡ ngỡ và lo lắng nhưng Huyền Trang vẫn hát tròn trịa và chắc nhịp khi diễn báo cáo tiết mục tham gia festival trên sân khấu. Huyền Trang đến với nghệ thuật ĐCTT cách đây hơn 3 năm một cách tự nhiên vì niềm đam mê.
Huyền Trang kể: “Ở nhà, ba mẹ thích nghe ĐCTT nên những lần đi xem biểu diễn loại hình này, ba mẹ đều chở em theo. Nghe riết rồi yêu thích nên em theo cô Hồng Cúc và thầy Đức Nhẫn học ca. Những ngày cùng các cô, chú trong ban ĐCTT tập luyện, được hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng nên em tự tin hơn khi tham gia festival. Đây sẽ là dịp để em mở rộng tầm nhìn đối với loại hình này”.
Không chỉ nâng tầm hiểu biết, theo lời NNDG Tấn Khoa, khi tham gia festival, những tài tử trẻ như Huyền Trang sẽ được tiếp thêm niềm đam mê với ĐCTT.
Hơn nữa, qua đây, em hiểu rằng, nghệ thuật ĐCTT không được cũ mà phải mới, sáng tạo để không mai một và đi vào lòng người. Vì vậy, chỉ có đam mê và tích cực tập luyện thì giá trị ĐCTT sẽ sống mãi với thời gian mà những người trẻ như Hoàng Oanh, Huyền Trang là đội ngũ kế thừa xứng đáng.
Festival đang cận kề, hành trang mang theo của Ban ĐCTT Long An là tiếng lòng của những người con phương Nam, là ước nguyện lưu truyền loại hình nghệ thuật quý báu này cho thế hệ hôm nay và mai sau./.
Thùy Hương