Theo Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Tân An - Bác sĩ Nguyễn Thị Hoàng Oanh, là một trong những địa phương tập trung đông dân nên công tác phòng, chống dịch bệnh được thành phố xem là nhiệm vụ quan trọng. Từ đầu năm đến nay, thành phố có 152 ca SXH, tập trung ở các phường 3, 4 và 5. Thời gian qua, thành phố tổ chức xử lý 20 ổ dịch bằng cách diệt lăng quăng, muỗi và phun thuốc dập dịch diện rộng ở khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5; ấp Bình Trung, xã Nhơn Thạnh Trung.
Diệt lăng quăng phòng bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika.
Ngành Y tế thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng cách tổ chức họp nhóm, nói chuyện chuyên đề, vãng gia; tuyên truyền thông qua hệ thống loa, đài ở các ấp. Thời gian tới, ngoài giám sát, cập nhật ca bệnh hàng ngày, thành phố chủ động phun thuốc ở những nơi có nguy cơ bùng phát dịch. Tiếp tục thực hiện chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng ở các phường 1, 2, 3, 4, Khánh Hậu và xã Lợi Bình Nhơn. Đặc biệt, TTYT TP.Tân An phối hợp Viện Pasteur TP.HCM và 10 điểm trường THCS trên địa bàn tuyên truyền thông qua cổng thông tin điện tử tìm hiểu về bệnh SXH với 10.907 học sinh tham gia.
Ngành Y tế huyện Cần Giuộc tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cũng như TP.Tân An, huyện Cần Giuộc đã và đang thực hiện nhiều giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Phó Giám đốc TTYT huyện Cần Giuộc - Bác sĩ Huỳnh Hồ Chí Cường cho biết: “Là huyện công nghiệp, người nhập cư đông, các khu nhà trọ, khu tái định cư,... là những nơi dễ phát sinh muỗi nên huyện luôn chủ động, sẵn sàng ứng phó với các bệnh nguy hiểm không có thuốc điều trị đặc hiệu, nhất là bệnh lây truyền qua muỗi vằn như SXH và Zika, tay - chân - miệng (TCM).
Vừa qua, huyện tổ chức phát động chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH và bệnh gây ra do vi-rút Zika với quy mô lớn. Sau lễ phát động, các đại biểu diễu hành tuyên truyền lưu động về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cách phòng, tránh bệnh gây ra do vi-rút Zika và bệnh SXH cho người dân. Lộ trình diễu hành đi qua các trục đường giao thông của thị trấn Cần Giuộc”.
Được biết, thời gian qua, 17 xã, thị trấn trong huyện đều tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết, thả nuôi cá bảy màu để diệt lăng quăng. Mạng lưới cộng tác viên, nhân viên y tế ấp phối hợp các ngành, đoàn thể ở các địa phương rà soát thai phụ trên địa bàn, đồng thời tư vấn để thai phụ được theo dõi và đến cơ sở y tế hướng dẫn điều trị khi có những biểu hiện bất thường.
Từ đầu năm 2016 đến nay, ngoài tuyên truyền thông qua buồng bệnh, họp hội đồng người bệnh, mỗi xã phát trên 400 tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, có 9/17 xã thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, diễu hành tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra công tác vệ sinh môi trường ở các hộ gia đình và thực hiện phun thuốc ở những ấp có nhiều ca bệnh cũng như nơi có mật độ muỗi cao. Phòng Y tế huyện phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng tránh bệnh TCM và diệt muỗi nhằm phòng, chống bệnh SXH, Zika. Ngoài ra, ngành cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn lực sẵn sàng ứng phó dịch bệnh như: Nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, giường bệnh,...
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Theo số liệu thống kê của TTYT huyện Cần Giuộc, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn huyện có 160 ca SXH, giảm 170 ca so với cùng kỳ; 155 ca TCM (cùng kỳ 193 ca). Thời gian tới, ngoài theo dõi, giám sát về tình hình dịch bệnh SXH, Zika, ngành Y tế huyện phối hợp Phòng Y tế tham mưu UBND huyện triển khai chiến dịch “Hành trình 10 triệu bàn tay sạch”; đồng thời, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện giám sát, kiểm tra 10 trường tiểu học, mầm non, mẫu giáo về thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh TCM trong trường học.
Nhân viên y tế Trường THCS Trương Văn Bang, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc - Lê Thị Kim Ngọc chia sẻ: “Trường có 17 lớp, 699 học sinh. Đi đôi với làm tốt công tác dạy và học, trường luôn chú trọng việc chăm sóc sức khỏe cũng như phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động học sinh thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika. Hình thức tuyên truyền được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp tuyên truyền cho học sinh.
Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện cho học sinh tham gia diễu hành trong các đợt phát động chiến dịch diệt lăng quăng trên địa bàn các xã; tổ chức cho các em quét rác, làm cỏ, loại bỏ các vật dụng chứa nước 2 lần/tuần trong trường học; lớp học cũng được các em vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày. Ngoài dọn dẹp vệ sinh ở trường, về nhà, các em cũng tự giác dọn dẹp vệ sinh ở nhà, thực hiện ngủ mùng để tránh muỗi đốt”.
Phun thuốc dập dịch diện rộng.
Để phòng, chống bệnh SXH và bệnh gây ra do vi-rút Zika, mỗi gia đình nên dành 15 phút mỗi ngày dọn dẹp cảnh quan môi trường, xử lý những nơi có nước đọng để diệt lăng quăng, diệt muỗi. Đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Riêng bệnh TCM, theo khuyến cáo của ngành Y tế, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cho trẻ, kể cả người chăm sóc trẻ cũng cần thực hiện việc này để phòng, chống dịch bệnh. Khi có những dấu hiệu bệnh, cần sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời./.
Theo số liệu thống kê của TTYT dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.746 ca mắc bệnh TCM, giảm 24,7% so với cùng kỳ (năm 2015: 2.320 ca). Đồng thời, ghi nhận 2.020 ca SXH, giảm 14% so với cùng kỳ. Tỉnh ghi nhận 1 ca mắc bệnh do vi-rút Zika đầu tiên ở huyện Bến Lức. Không có trường hợp nào tử vong do bệnh SXH, TCM và bệnh gây ra do vi-rút Zika ở địa phương trong gần 11 tháng qua. |
Ngọc Mận