Tiếng Việt | English

14/02/2022 - 10:28

Sản xuất đi đôi với phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng

Sau những ngày đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực ra đồng chăm sóc lúa Đông Xuân (ĐX) với mong ước một năm thuận lợi, bội thu.

Bước đầu thuận lợi

Với diện tích lúa ĐX 2021 - 2022 được gieo sạ sớm tại các khu vực vùng cao, khu vực có hệ thống đê bao, nông dân các huyện đầu nguồn của tỉnh như Tân Hưng, Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) đã bắt đầu thu hoạch lúa. Tuy giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng nhưng với giá bán 5.300 - 7.800 đồng/kg, tùy từng loại giống, nông dân có lãi từ 10 - 20 triệu đồng/ha.

Số diện tích cho thu hoạch năng suất đạt khá, giá cả tương đối ổn định, nông dân có lãi

Chúng tôi có mặt tại cánh đồng lúa thuộc ấp Bưng Ràm, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, gặp anh Tạ Văn Cường - chủ nhân của 8ha lúa đang cho thu hoạch. Anh Cường cho biết, điều phấn khởi nhất là mấy ngày trước khi thu hoạch đã có thương lái đến liên hệ mua lúa. Nếu thời điểm này những năm trước, nông dân phải chờ thương lái đến thu mua, có khi bị ép giá. Với giá bán 7.000 đồng/kg (giống lúa ST 25) và năng suất 6,5 tấn/ha, vụ ĐX này, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh Cường thu lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: Vụ lúa ĐX 2021 - 2022, toàn huyện xuống giống được 36.878ha. Đến thời điểm này, số diện tích ở các xã vùng cao, khu vực có hệ thống đê bao như Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B, Vĩnh Châu B, Vĩnh Châu A, Vĩnh Đại, nông dân đã thu hoạch gần 9.500ha.

Mặc dù giá vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi nên hạn chế được sâu, bệnh gây hại. Hầu hết diện tích đã cho thu hoạch đạt năng suất khá cao, trung bình từ 6 - 8 tấn/ha (lúa tươi), giá lúa tiêu thụ tại chỗ tương đối ổn định, từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, tùy từng loại giống.

Thương lái thu mua lúa tại đồng

Không riêng gì nông dân huyện Tân Hưng, tại các xã vùng cao như Hưng Điền A, Thái Trị, Thái Bình Trung của huyện Vĩnh Hưng, không khí lao động, sản xuất cũng rất khẩn trương. Vụ lúa ĐX 2021 - 2022 này, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp 3, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) gieo sạ 5ha lúa giống Đài thơm 8 và vừa thu hoạch xong. “Nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất khá cao, bình quân hơn 7 tấn/ha, bán với giá 5.800 đồng/kg, gia đình tôi có lợi nhuận gần 80 triệu đồng” - anh Tuấn chia sẻ.

Không chủ quan với sâu, bệnh gây hại

Nông dân không chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh trên lúa

Tuần qua, hầu hết đối tượng sinh vật gây hại gia tăng diện tích nhiễm trên lúa ĐX 2021 - 2022, các đối tượng như bệnh cháy bìa lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu tăng diện tích nhiều nhất do đa số lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ; rầy nâu đang nở và kết hợp với thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của các đối tượng gây hại này, trong đó, bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm hơn 5.300ha, sâu cuốn lá nhỏ diện tích nhiễm 1.370ha, bệnh cháy bìa lá diện tích nhiễm 1.335ha, rầy nâu diện tích nhiễm 1.070ha,...

Dự báo tình hình sinh vật gây hại trong thời gian tới, rầy nâu xuất hiện rải rác; bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, rầy nâu,... phát sinh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh; bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt,... phát sinh trên lúa giai đoạn đòng trổ và chín.

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các đối tượng sinh vật gây hại gia tăng diện tích nhiễm trên lúa ĐX 2021 - 2022, trong đó có các đối tượng như bệnh cháy bìa lá, đạo ôn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam cho biết, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được 1.500/21.200ha lúa ĐX 2021 - 2022. Số diện tích còn lại có hơn 1.100ha giai đoạn chín, 2.600ha giai đoạn trổ, 9.500ha giai đoạn làm đòng và hơn 6.000ha giai đoạn mạ. Hiện trà lúa phát triển. Tuy nhiên, do tình hình thời tiết nên nhiều diện tích bị sâu, bệnh gây hại, trong đó có hơn 1.500ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ 5 - 10%; 470ha nhiễm rầy nâu, mật độ 750 - 1.500 con/m2; 500ha bị sâu đục thân gây hại, mật độ 2 - 3 con/m2.

Còn tại huyện Vĩnh Hưng, đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch gần 600/28.699ha lúa ĐX 2021 - 2022, tập trung ở các xã vùng cao của huyện như Hưng Điền A, Thái Bình Trung, Thái Trị, năng suất từ 5,5 - 6,5 tấn/ha, giá bán bình quân 5.800 đồng/kg. Trà lúa còn lại trong giai đoạn đòng, trổ và chín.

Hiện có gần 200ha lúa bị sâu, bệnh phát sinh gây hại. Ngành chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện và chủ động phòng trừ sâu, bệnh đạt hiệu quả cao nên hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện, để bảo đảm lúa vụ ĐX 2021 - 2022 thắng lợi, các địa phương, ngành chuyên môn cần tăng cường công tác điều tra, theo dõi sinh vật gây hại trên lúa ĐX 2021 - 2022; kịp thời hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý khi xuất hiện sinh vật gây hại. Cần đặc biệt chú ý theo dõi tình hình sâu năn trên lúa ĐX 2021 - 2022 vì đã ghi nhận diện tích nhiễm tại huyện Tân Hưng, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường, với điều kiện thời tiết hiện nay rất thích hợp cho sự phát sinh và phát triển của đối tượng này.

Ngoài ra, cũng cần chú ý theo dõi các sinh vật gây hại khác như rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn cổ bông,... Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, dự tính, dự báo, thông báo; triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ứng dụng các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, xâm nhập mặn. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường,.../.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh thu hoạch gần 60.000/223.998ha lúa ĐX 2021 - 2022, năng suất khô ước đạt 64,2 tạ/ha, sản lượng ước 375.135 tấn, giá bán tương đối ổn định. Cụ thể, đối với giống nếp IR4625 từ 5.300 - 5.400 đồng/kg; OM 5451 từ 5.600 - 5.700 đồng/kg; OM 18 từ 5.900 - 6.000 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.700 - 5.900 đồng/kg; ST 24 từ 7.600 - 7.800 đồng/kg. Hiện hầu hết số diện tích lúa ĐX 2021 - 2022 còn lại ở khu vực vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh trong giai đoạn đòng, trổ và chín, nông dân tích cực chăm sóc.

Văn Đát

Chia sẻ bài viết