Các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để cung cấp cho các đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc
Sau tết, Giá thanh long tăng trở lại làm cho người trồng phấn khởi. Nếu so với thời điểm trước tết thì hiện nay, giá thanh long đã tăng gấp 5 lần. Ông Nguyễn Thanh Tâm, ngụ ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết: Từ sau tết đến nay, giá thanh long được các thương lái thu mua với giá cao, từ 18.000-32.000 đồng/kg (tùy loại), còn trước tết chỉ 5.000-6.000 đồng/kg nên người trồng thua lỗ nặng.
Gia đình ông Tâm có 0,5ha thanh long áp dụng kỹ thuật xông đèn, thu hoạch sản lượng khoảng 2,5 tấn vào thời điểm trước tết nhưng chỉ bán với giá 7.000 đồng/kg; trong khi để có lãi, giá bán phải trên 10.000 đồng/kg. Theo ông Tâm, mặc dù hiện nay thương lái thu mua ở mức giá cao nhưng đa số nông dân đều không còn thanh long để xuất bán. Hiện nếu tính trung bình 10 hộ thì chỉ có 1-2 hộ có thanh long để bán vào thời điểm này.
Chị Lê Thị Chọn, ngụ ấp Cầu Ván, xã An Lục Long, huyện Châu Thành, cho rằng: Sau tết, rất ít vườn còn thanh long chín để bán do thời điểm trước tết giá thấp, nhiều người quyết định không xông đèn để tránh thua lỗ. Đợt này, gia đình chị có 0,3ha thanh long vào giai đoạn thu hoạch, ước tính đạt khoảng 2 tấn. Chị Chọn cho biết: “Vụ này, thanh long cho trái hơi nhỏ nên thương lái chỉ mua 21.000 đồng/kg. Dù vậy, gia đình tôi cũng rất phấn khởi vì sau hơn 1 năm toàn thua lỗ thì bước sang năm mới đã có lãi từ bán trái thanh long. Đây sẽ là động lực để gia đình tôi đầu tư sản xuất cho lứa thanh long tiếp theo”.
Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh, trong năm qua, giá thanh long trên địa bàn tỉnh ở mức thấp, dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg (loại xô), có thời điểm giảm còn 3.000-5.000 đồng/kg (loại xô), nguyên nhân là tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu dùng ít.
Hiện nay, hơn 80% sản lượng thanh long của tỉnh được tiêu thụ chủ yếu sang thị trường Trung Quốc nên khi việc xuất khẩu bị trục trặc gây tắc nghẽn đầu ra, giá thanh long cũng vì vậy mà giảm sâu. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng ngày càng nâng cao hàng rào về kiểm dịch thực vật, ban hành nhiều quy định ngày càng khắt khe hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp từ phía Trung Quốc đặt hàng thanh long cũng ít dần. Tuy nhiên, từ sau tết đến nay, nhu cầu tiêu dùng từ phía Trung Quốc bất ngờ tăng trở lại, nguồn hàng thanh long lại không có nhiều nên giá tăng lên khá nhanh từ 9.000-11.000 đồng/kg (loại xô) đến nay đã hơn 30.000 đồng/kg.
Một số doanh nghiệp thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh cho biết, từ sau tết đến nay, họ nhận được nhiều đơn đặt hàng thanh long từ phía Trung Quốc với giá cả thu mua tương đối cao. Nguyên nhân được các doanh nghiệp đưa ra là bên phía Trung Quốc hiện nay khan hiếm thanh long và việc vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu cũng thông thoáng và dễ dàng hơn.
Giám đốc Công ty Hoàng Phát Food - Nguyễn Hoàng Huy cho biết: “Công ty chuyên thu mua thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc. Gần đây, có nhiều đơn hàng từ phía Trung Quốc nên các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua thanh long với giá cao. Tuy nhiên, nguồn hàng trên địa bàn tỉnh hiện không còn nhiều. Vì vậy, nhiều công ty đã ra Bình Thuận để mua thanh long cung cấp cho khách hàng”.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, tổng diện tích trồng thanh long của huyện là 9.100ha, trong đó thanh long ruột trắng 600ha, thanh long ruột đỏ 8.500ha, đang cho trái 8.500ha, ước sản lượng năm 2020 đạt trên 297.500 tấn.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh thông tin: “Theo ghi nhận, thanh long chín thời điểm này rất ít và số lượng trái đạt chất lượng để các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không nhiều. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh chỉ nhận các đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc trong thời gian ngắn chứ không ký hợp đồng lâu dài nên tình trạng ùn ứ thanh long do cung vượt cầu khi vào mùa thu hoạch có thể tái diễn. Do đó, để hướng đến phát triển thanh long lâu dài và bền vững, người dân cần chú trọng hơn việc thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch, nâng cao chất lượng thanh long để hướng đến những thị trường mới, khó tính hơn. Qua đó, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mở ra hướng đi mới cho trái thanh long, mang lại lợi nhuận ổn định cho người trồng thanh long”./.
B.Tùng