Tiếng Việt | English

18/04/2022 - 18:38

Số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu có thể gấp đôi so với báo cáo

Nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm tính toán số người tử vong trên toàn cầu do đại dịch Covid-19 đã phát hiện ra rằng số người chết nhiều hơn những gì được ghi nhận.

Tổng số có khoảng 15 triệu người tử vong do Covid-19 tính tới cuối năm 2021, cao hơn gấp đôi so với con số được báo cáo bởi từng quốc gia là 6 triệu. Đây là kết quả của hơn một năm nghiên cứu và phân tích của các chuyên gia trên khắp thế giới và cái nhìn toàn diện nhất về khả năng gây tử vong của đại dịch cho đến nay.

Nhân viên y tế tại cổng một bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Nhân viên y tế tại cổng một bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc đưa ra con số ước tính người tử vong đáng kinh ngạc đã bị trì hoãn trong nhiều tháng do sự phản đối từ Ấn Độ.

Theo những nguồn am hiểu thông tin, WHO sẽ đưa ra con số tử vong ở Ấn Độ ít nhất là 4 triệu người. Điều này sẽ khiến Ấn Độ trở thành nước có số ca tử vong do dịch bệnh cao nhất thế giới.

Tính toán của WHO đã kết hợp dữ liệu quốc gia về các trường hợp tử vong được báo cáo với thông tin mới từ các địa phương và các cuộc điều tra hộ gia đình, cùng với các mô hình thống kê nhằm tính các ca tử vong bị bỏ sót.

Sự chậm trễ trong việc công bố số liệu thực tế sẽ gây ảnh hưởng đáng kể vì dữ liệu toàn cầu là yếu tố cần thiết để hiểu được diễn biến của đại dịch và những cách để giảm thiểu một cuộc khủng hoảng tương tự.

The Times dẫn nguồn tin từ 10 người thân cận với dữ liệu cho biết, WHO đã lên kế hoạch công bố số ca tử vong thực tế vào tháng 1/2022 nhưng việc công bố liên tục bị lùi lại.

Gần đây, một số thành viên của nhóm nghiên cứu cảnh báo WHO rằng, nếu tổ chức này không công bố các số liệu, các chuyên gia sẽ tự thực hiện điều này.

“Chúng tôi dự định công bố dữ liệu vào tháng 4”, Amna Smailbegovic, một người phát ngôn của WHO, nói.

Tiến sĩ Samira Asma, Trợ lý Tổng giám đốc của WHO, giải thích rằng việc công bố dữ liệu chậm trễ là do “chúng tôi muốn đảm bảo mọi người đều được tham khảo ý kiến”.

Trong khi đó, Ấn Độ khẳng định rằng phương pháp luận của WHO còn thiếu sót.

“Ấn Độ cảm thấy quá trình này không mang tính hợp tác cũng như không mang tính đại diện đầy đủ”, chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố trước Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc vào tháng 2.

Tháng 2/2022, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ đã chỉ trích một nghiên cứu trên tạp chí Science ước tính số người tử vong do Covid-19 của nước này cao gấp 7-8 lần con số chính thức. Hồi tháng 3, Ấn Độ đã nghi ngờ về phương pháp luận của một nghiên cứu trên tạp chí Lancet ước tính số người chết vì dịch bệnh ở nước này là 4 triệu người.

Jon Wakefield, chuyên gia tại Đại học Washington, cho biết, bản trình bày ban đầu về dữ liệu Covid-19 toàn cầu của WHO đã sẵn sàng để công bố vào tháng 12/2021.

“Nhưng sau đó Ấn Độ không đồng tình với các ước tính. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện tất cả các loại phân tích độ nhạy. Bài báo cáo thực sự tốt hơn nhiều khi có các nghiên cứu bổ sung. Và hiện tại chúng tôi sẵn sàng để công bố báo cáo”, ông Wakefield nói.

Các tính toán của WHO bao gồm những ca tử vong trực tiếp do Covid-19, ca tử vong do các điều kiện phức tạp của Covid-19 và ca tử vong do không nhận được sự điều trị vì đại dịch.

Tính toán số ca tử vong vượt mức trên toàn cầu là một nhiệm vụ khó khăn. Một số quốc gia đã theo dõi chặt chẽ dữ liệu tử vong và cung cấp kịp thời cho WHO, trong khi một số nước khác chỉ cung cấp một phần dữ liệu và tổ chức này phải sử dụng mô hình hoàn thiện báo cáo.

WHO lưu ý rằng 9/10 ca tử vong ở châu Phi và 6/10 ca tử vong trên toàn cầu không được báo cáo và hơn 1/2 số quốc gia trên thế giới không thu thập được nguyên nhân tử vong chính xác.

Để đưa ra ước tính tỷ lệ tử vong cho các quốc gia có một phần hoặc không có dữ liệu tử vong, các chuyên gia đã sử dụng các mô hình thống kê và đưa ra dự đoán dựa trên thông tin cụ thể của quốc gia như các biện pháp ngăn chặn, tỷ lệ lây nhiễm và nhân khẩu học./.

VOV.VN(Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết