Tiếng Việt | English

03/03/2020 - 19:57

Số phận của Grab, FastGo ra sao sau khi dừng thí điểm xe công nghệ?

Một trong số quy định mới tại Nghị định số 10 là taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi phải gửi hoá đơn điện tử cho hành khách và cơ quan thuế để kiểm soát.

Ứng dụng gọi xe công nghệ của Grab. (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Ứng dụng gọi xe công nghệ của Grab. (Nguồn ảnh: Vietnam+)
Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải ra thông báo dừng quyết định thí điểm ứng dụng đặt xe công nghệ và nhiều ý kiến lo ngại đến số phận của các ứng dụng gọi xe Grab, FastGo, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 3/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trước đây Bộ có đánh giá thí điểm xe taxi công nghệ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã ra văn bản chỉ đạo việc thí điểm sẽ dừng khi có Nghị định thay thế Nghị định 86.

“Tới ngày 17/1/2020, Nghị định số 10 ra đời, hiệu lực Nghị định này ngay lúc đó chấm dứt thí điểm xe công nghệ như Grab, FastGo,” Thứ trưởng Đông cho hay.

Trả lời việc thí điểm taxi công nghệ sẽ dừng từ 1/4, sau thời điểm này các loại hình như Grab, Be, Fastgo... được coi là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm vận tải? Thứ trưởng Đông cho biết: “Loại hình xe nào phù hợp với quy định tại Nghị định 10 về hoạt động vận tải đường bộ sẽ được hoạt động. Một trong số quy định mới là taxi công nghệ khi kết thúc chuyến đi phải gửi hoá đơn điện tử cho hành khách và cơ quan thuế để kiểm soát.”

Theo ông Đông, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch còn bất cập cũng như việc chậm trễ ứng dụng công nghệ trong quản lý dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe vận chuyển hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

Nghị định số 10/2020/NĐ-CP được ban hành đã giải quyết được những vấn đề bất cập như các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải).

Đơn cử, chiếu theo quy định như trên, các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải hiện nay nếu thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) thì sẽ là phải đăng ký kinh doanh vận tải và hoạt động theo những quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải.

Nếu đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định tại khoản 1 Điều 35 của Nghị định số 10. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải quản lý và hướng dẫn đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải quy định tại điều 35./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết