Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của Viettel vừa được ra mắt hiện đang xếp top 1 trên bảng xếp hạng các ứng dụng miễn phí phổ biến nhất trên cả hệ điều hành Android và iOS, với số lượt tải còn vượt qua các ứng dụng mạng xã hội “đình đám” nhất hiện nay.
Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử chiếm độ “hot” vượt các ứng dụng mạng xã hội phổ biến
Sổ sức khỏe điện tử là một trong các giải pháp công nghệ đang được triển khai nhằm phòng, chống Covid-19. Đây là ứng dụng được thiết kế để người dân có thể chủ động đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, cập nhật các phản ứng sau tiêm cũng như chứng nhận tiêm chủng bản điện tử. Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử được kết nối trực tiếp với Hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân của Bộ Y tế.
Sổ sức khỏe điện tử chỉ là một phần của nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 do Viettel phát triển đang được triển khai trên toàn quốc. Nền tảng này gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng Covid-19, Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng (MCC).
Giải quyết bài toán tụ tập đông người tại các điểm tiêm vaccine
Theo ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, Tập đoàn Viettel, việc ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử sẽ giải quyết được bài toán tụ tập đông người tại các khu vực tiêm, bởi toàn bộ quá trình đăng ký, xét duyệt tiêm sẽ được xem xét theo năng lực cơ sở tiêm, số lượng người đăng ký tiêm để lên kế hoạch mỗi buổi sẽ tiêm bao nhiêu người. Từ đó, hệ thống tự động nhắn tin đến từng cá nhân hẹn ngày, giờ đến tiêm, giúp người dân chủ động thời gian và đảm bảo việc giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người.
“Ngoài ra, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế về đối tượng ưu tiên được tiêm chủng, hệ thống sẽ đưa ra danh sách đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine một cách công khai, minh bạch và đảm bảo mục tiêu tiêm nhanh, tiêm đúng và tiêm đủ đảm bảo người dân có được sự bảo vệ, hỗ trợ tốt nhất”, ông Quý cho hay.
Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel
Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 tập hợp nhiều công nghệ mới từ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo đến chatbot để có thể cùng một lúc hỗ trợ hàng triệu người, ví dụ thông báo lịch tiêm, nhắc lịch tiêm chủng hay hỏi người dân sức khỏe sau tiêm.
“Nền tảng hiện nay đã hoàn thiện và sẽ tiếp tục được nâng cấp, tối ưu thêm nữa để có thể chạy xuyên suốt chiến dịch dài hạn từ tháng 7/2021 đến quý 1/2022”, ông Quý cho biết.
Việt Nam đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Với việc vận hành nền tảng, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 sẽ có được bộ chỉ số đánh giá toàn diện chiến dịch từ tiến độ tiêm, phân bổ vaccine, phản ứng sau tiêm… Thông tin của hệ thống được cập nhật gần như tức thời giúp ban chỉ đạo nắm thông tin và trực tiếp điều hành xử lý ngay lập tức trong toàn bộ chiến dịch.
Chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình xây dựng, triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, ông Ngô Vĩnh Quý cho biết, đây là chiến dịch lớn nhất lịch sử thực hiện đồng thời, đồng loạt trên phạm vi toàn quốc, trong đó ứng dụng rất nhiều công nghệ. Khi ứng dụng công nghệ yêu cầu người dân cần có điện thoại thông minh, kỹ năng sử dụng, khu vực vùng sâu vùng xa phải có kết nối internet; Tại các địa phương, máy móc, thiết bị có đủ đáp ứng để vào hệ thống, thời gian triển khai lại gấp…
“Ngoài ra, nền tảng là hệ thống rất lớn, do đó việc đảm bảo an toàn thông tin cho lượng dữ liệu này rất quan trọng. Kiến trúc hệ thống cũng phải khoa học, chặt chẽ đảm bảo lượng lớn truy cập đồng thời trên toàn quốc từ người dùng, gần 20.000 điểm tiêm trên cả nước đến cơ quan chức năng, ban chỉ đạo… đều phải đáp ứng, phân tải kịp thời”, ông Quý nói.
Các dữ liệu lưu trữ luôn được sao lưu đảm bảo trong trường hợp bị sự cố có thể sẵn sàng khôi phục ngay lập tức. Điểm đặc biệt của chiến dịch này là tiến độ rất gấp trong khi nền tảng có nhiều phân hệ kết nối với nhau phục vụ quy trình tiêm chủng, do đó Viettel xác định nỗ lực ngày đêm để đạt tiến độ chiến dịch.
Tiến tới mỗi người dân đều có hồ sơ sức khỏe điện tử
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi số ngành y tế một cách toàn diện và mạnh mẽ. Với việc mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ mở ra trang mới cho việc khám chữa bệnh của người dân.
“Sau này, mỗi lần đi khám ở bất cứ đâu, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dân có thể đặt lịch thăm khám, mã số cá nhân dưới dạng QR code… Khi khám bệnh xong, toàn bộ thông tin được cập nhật ở hồ sơ điện tử cá nhân. Thanh toán cũng có thể thực hiện tự động thông qua các hình thức thanh toán điện tử”, ông Quý nêu ý kiến.
Từ đó, việc chờ đợi của người dân sau này sẽ giảm đáng kể. Việc tiếp xúc trực tiếp cũng được hạn chế, tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 trong điều kiện bình thường mới./.
Vân Anh/VOV.VN