Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những quy định mới nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, cải cách phương thức tuần tra, kiểm soát
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã mang lại nhiều kết quả cho phát triển giao thông - vận tải và bảo đảm TTATGT, góp phần phát triển KT-XH và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện đã có những bất cập giữa 2 lĩnh vực khác nhau là TTATGT đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ.
Theo đó, yêu cầu đặt ra trong tình hình mới thì việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề bất cập, cấp bách thực tiễn đang đặt ra nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật TTATGT, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hình thành pháp luật trong lĩnh vực TTATGT đường bộ.
Theo đó, Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Dự thảo luật đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, nhân dân và dự kiến tới đây sẽ trình Quốc hội.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ gồm 8 chương, 84 điều. Trong đó, Chương 1 quy định những quy định chung; Chương 2 quy định hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông đường bộ; Chương 3 quy định phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chương 4 quy định tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông; Chương 5 quy định giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Chương 6 quy định thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm hành chính và trách nhiệm pháp lý; Chương 7 quy định quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ; Chương 8 quy định điều khoản thi hành.
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ có nhiều điểm mới. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông: Nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già, trẻ em và các quy tắc sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe; sửa đổi quy định tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư và ngoài khu vực đông dân cư; bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc. Đồng thời, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ cũng bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe,...
Nhìn chung, dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với sự điều chỉnh các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ. Trong đó, điểm nổi bật là luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về TTATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tài xế chạy xe dịch vụ cho biết: "Thời gian qua, Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tôi thấy, đây là việc làm rất thiết thực, cấp thiết, bởi qua thời gian áp dụng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng có những quy định đã không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay".
Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ tiếp tục được lấy ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung và đưa ra Quốc hội bàn thảo, đóng góp để hoàn thiện, thông qua. Với sự nghiên cứu đầy đủ toàn diện, sát với thực tế và sự phát triển thì người dân tin tưởng, khi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý nhà nước tốt hơn, bảo đảm hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn.
"Tin rằng, khi Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông, góp phần tạo chuyển biến căn bản, hình thành văn hóa giao thông" - ông Lê Văn Phú, ngụ xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa bày tỏ./.
Vũ Quang