Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 09:31

Sử dụng hợp lý tài nguyên cát

Tình trạng khai thác cát quá mức, “mạnh ai nấy cấp phép, khai thác”, khai thác trái phép cát trên các con sông, nhất là hệ thống sông Cửu Long được báo chí phản ánh, cảnh báo từ rất lâu. Thế nhưng, do nhu cầu phục vụ san lấp mặt bằng các công trình xây dựng, giao thông và vì lợi nhuận cao, người ta vẫn thi nhau khai thác triệt để nguồn tài nguyên này. 

Nhiều nơi, “cát tặc” lộng hành khai thác ngày đêm, chống lại người thi hành công vụ, đe dọa cả chính quyền. Vấn nạn “cát tặc” được người dân phản ánh nhiều lần khi tiếp xúc với đại biểu dân cử, theo đại biểu Quốc hội vào các phiên chất vấn ở cơ quan quyền lực cao nhất nước,... nhưng vẫn khó dẹp được.

Từ tình trạng khai thác quá mức cát dưới các lòng sông dẫn đến hệ lụy về môi trường: Thay đổi dòng chảy, tạo các hố sâu dưới lòng sông, các “hầm ếch” ngầm dưới lòng đất, nứt đất, sạt lở,... Đau lòng nhất là vụ sạt lở kinh hoàng trên sông Vàm Nao thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cuốn hàng chục căn nhà, tài sản của người dân xuống lòng sông, nhiều người trắng tay, sống cảnh màn trời, chiếu đất. Dọc theo sông Tiền, sông Hậu, nhiều địa phương phải vất vả đối phó với tình trạng sạt lở ven sông.

Sau sự cố Vàm Nao, chính quyền nhiều nơi siết chặt tình trạng khai thác cát. Từ đó, dẫn đến cát xây lấp liên tục tăng giá đến “chóng mặt”, làm cho nhiều công trình, dự án xây dựng, giao thông phải “đội giá”, điều chỉnh giá,...

Tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa luôn gắn liền với việc san lấp mặt bằng, xây dựng nhà xưởng, đường sá,... Cát là nguồn tài nguyên rất quan trọng. Chúng ta phải chủ động được nguồn đất, cát phục vụ các công trình xây dựng; có kế hoạch khai thác khoa học, hợp lý;..

Mặt khác, chính quyền và ngành chức năng cần tăng cường quản lý việc khai thác đất, cát trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên này phục vụ tốt tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết