Tiếng Việt | English

01/01/2018 - 04:43

Sử dụng kính thực tế ảo nhiều có hại cho sức khỏe?

Kính thực tế ảo là một trong những phát minh đột phá của con người, tuy nhiên phát minh này cũng có mặt trái, trong đó tiềm ẩn cả nguy cơ vô cùng lớn cho sức khỏe.

Thống kê cho thấy hơn một triệu kính thực tế ảo (KTTA) đã được bán trong quý ba của năm 2017. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng mạnh vào năm 2018 khi có thêm nhiều nhà sản xuất tham gia thị trường.

Tuy nhiên, trước khi bạn hoặc con bạn sử dụng KTTA, hãy chắc chắn rằng bạn đã nhận thức đầy đủ về những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn của thiết bị công nghệ này.

Kính thực tế ảo (Glasses VR) là sản phẩm công nghệ thú vị mà nhiều trẻ em vô cùng thích thú (Ảnh: Youtube)

Nguy cơ chấn thương hoặc gây chấn thương

Đầu tiên, cảnh báo an toàn của các nhà sản xuất là: Dùng KTTA mà không có giám sát hoặc dùng trong không gian đông người hoặc nhiều đồ đạc là vô cùng rủi ro.

Trang thông tin an toàn KTTA Vive của HTC cho biết trong khi đeo KTTA bạn trở thành người mù đối với thế giới xung quanh. Đừng hoàn toàn dựa vào hệ thống chaperone của sản phẩm để bảo vệ.

Marientina Gotsis, Giáo sư phụ trách nghiên cứu Interactive Media and Games Division thuộc Đại học Nam California cho biết bạn có thể đi lang thang, bị va đầu hoặc gãy chân tay hay bị thương nặng, vì vậy cần có một người theo dõi bạn khi bạn đang sử dụng KTTA. Đó là bắt buộc.

Ngoài ra, cần giữ vật nuôi, trẻ nhỏ và các chướng ngại vật khác (như quạt trần) xa vị trí của bạn khi sử dụng KTTA.

Nguy cơ "tàn phá" mắt

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học California, có rất nhiều vấn đề tiềm ẩn khi sử dụng KTTA, một là KTTA làm ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt, hai là có thể dẫn đến cận thị.

Bệnh về mắt là một vấn đề đang xảy ra trên khắp thế giới. Ở Mỹ, các nghiên cứu nhận thấy, cận thị tăng từ 25% dân số trong những năm 1970 lên đến trên 40% vào năm 2000. Khoảng 10 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị "cận thị trầm trọng".

Bằng chứng cho thấy, nhìn vào máy tính bảng, điện thoại và những thiết bị tương tự làm tăng nguy cơ cận thị và KTTA có thể làm cho tình trạng này tồi tệ hơn.

Nguy cơ dính 'bệnh say tàu xe'

Rất nhiều người sử dụng KTTA phàn nàn về căng thẳng mắt, nhức đầu và trong một số trường hợp còn bị buồn nôn. Các chuyên gia nói rằng đó là do KTTA ảnh hưởng đến kết nối giữa mắt và não.

Trong cuộc sống thực, đôi mắt của chúng ta tự nhiên tập trung vào một điểm trong không gian và não của chúng ta được sử dụng để kết hợp hai phản ứng lại với nhau.

Walter Greenleaf, một nhà thần kinh học về hành vi, cho biết trong môi trường ảo, cách chúng ta nhìn và tương tác bị thay đổi bởi vì chúng ta nhìn vào cái gì đó trông thật xa xôi, nhưng trên thực tế nó chỉ cách mắt vài cm. KTTA đánh lừa bộ não và chúng ta không biết tác động lâu dài của việc này.

Hầu hết chúng ta thường nhìn vào điện thoại di động và máy tính bảng trong một thời gian ngắn và ngước nhìn lên, làm giảm thiểu tác động tiêu cực tới mắt. Nhưng với KTTA, thật dễ dàng để chúng ra trở nên đắm chìm trong trải nghiệm ngoài cơ thể mà không điều tiết được.

Các nhà sản xuất KTTA Oculus gợi ý mỗi 30 phút bạn nên dừng sử dụng KTTA một chút để đỡ hại mắt.

Hiện có rất ít nghiên cứu liên quan tới KTTA, cho nên phơi nhiễm bệnh nào đó có thể xảy ra trước khi chúng ta thật sự nhận ra đây là một vấn đề nghiêm trọng.

Rất nhiều nội dung trên KTTA không được làm tốt, với những hình ảnh nhấp nháy, đồ vật xuất hiện và tiến gần bạn quá nhanh hoặc quá gần - tạo ra sự căng thẳng cho mắt.

Giáo sư Gotsis cảnh báo: "Thiệt hại do căng mắt đôi khi có thể rất bất ngờ, vì thế nếu thấy không thoải mái, chỉ cần dừng lại và tháo kính ra. Đừng mải miết, mê mẩn và mắc kẹt trong loại kính này".

Đeo kính thực tế ảo lâu vô cùng hại mắt (Ảnh: Road to VR)

Nguy cơ bệnh về tai

Không chỉ đôi mắt có thể bị tổn hại. Oculus Rift cho biết: "Lắng nghe âm thanh ở mức cao có thể gây ra ảnh hưởng không thể chữa cho thính giác của bạn”.

"Theo thời gian, tai có thể nghe âm thanh ngày càng lớn và bắt đầu quen nhưng thực sự âm thanh này có thể gây tổn hại cho thính giác. Người dùng nên giảm âm lượng nếu không thể nghe thấy những người xung quanh trong khi đang chơi", Sony khuyến cáo người dùng khi chơi PlayStation.

Hầu hết các thiết bị đều đưa ra cảnh báo “nên gặp bác sĩ” trước khi sử dụng KTTA nếu bạn đang mang thai, cao tuổi, hoặc bị các tình trạng bất thường về thị giác, rối loạn tâm thần, bệnh tim, bị động kinh; có tiền sử co giật; không sử dụng trong trường hợp bạn đang dùng các thiết bị y tế cấy ghép như máy điều hòa nhịp tim, máy trợ thính và máy khử rung...

Tuy nhiên, đa phần người sử dụng không chú ý và dùng ngay KTTA, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Daydream cũng khuyên người dùng tránh chơi KTTA hoàn toàn nếu đang "say xỉn, quá mệt mỏi hoặc bị đau đầu, đau bụng hoặc bệnh tật khác" bởi vì trải nghiệm thực tế ảo có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

Ngoài ra, Daydream View cảnh báo, việc dùng chung KTTA có thể lây lan bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng và thậm chí gây kích ứng da.

Nguy cơ ảnh hưởng tới nhận thức về thực tế

KTTA có thể được lưu trữ trong trung tâm bộ nhớ của não theo những cách tương tự như trải nghiệm thể chất thực tế, Bailenson của Stanford, tác giả của cuốn sách "Kinh nghiệm về nhu cầu", nói về ảnh hưởng tâm lý của thực tế ảo.

Thật tuyệt vời nếu nội dung trên KTTA vui nhộn, có tính giáo dục hoặc cảm hứng tích cực nhưng nếu nội dung này đáng sợ hay là cảnh chiến đấu, bạo lực (như chống lại các thây ma đẫm máu, đi xuống địa ngục, giết chóc…) có thể gây lo lắng, sợ hãi, kích thích, khiến cơ thể phản ứng về thể chất, bao gồm tăng nhịp tim và huyết áp hay dẫn tới chấn thương tâm lý.

Trẻ em có nguy cơ cao nhất?

Giáo sư Gotsis cho rằng, các gia đình có trẻ nhỏ nên đặc biệt thận trọng với KTTA, nếu cho trẻ dùng thử thì trẻ càng nhỏ thời gian sử dụng KTTA phải càng ngắn.

Trẻ em có thể không biết làm thế nào để truyền đạt cảm giác khó chịu của mình, (như khó chịu thị giác hoặc “say xe”), do đó bạn không nên để trẻ tiếp xúc lâu dài với màn hình KTTA.

Hầu hết các nhà sản xuất KTTA đều khuyến cáo: không sử dụng thiết bị cho trẻ em dưới 13 tuổi. Playstation VR đặt giới hạn độ tuổi ở mức 12; HTC Vive không đề cập đến độ tuổi, mà chỉ nói sản phẩm không "được thiết kế để trẻ em sử dụng".

Google Cardboard không giới hạn độ tuổi người dùng nhưng nói rằng, không nên sử dụng nếu không có sự giám sát của người lớn.

Các nghiên cứu cho thấy, thanh thiếu niên có thể phản ứng rất tiêu cực với việc bị loại trừ khỏi xã hội trong môi trường ảo. Do đó cha mẹ cần phải cẩn thận, giám sát trẻ khi chúng chơi với KTTA, hạn chế thời gian chơi của trẻ - như vậy sẽ tốt hơn.

VOH/Theo CNN

Chia sẻ bài viết