Tiếng Việt | English

30/11/2016 - 09:09

Sức bật từ những công trình

Sau một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiều chỉ tiêu được các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, một số công trình lớn chuyển tiếp của huyện, tỉnh được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2016.


Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Xuân Phúc trong một lần thăm Cảng quốc tế Long An

Những nỗ lực của địa phương

Năm 2016, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An tranh thủ nguồn vốn của tỉnh để huy động các nguồn lực từ Nhà nước và nhân dân triển khai nhiều công trình giao thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương như: Công trình bờ Nam kênh 28 (đoạn từ cầu kênh 28 đến cầu kênh 504), đường Nguyễn An Ninh, đường nội bộ đê bao thị trấn Vĩnh Hưng, công viên kênh 28. Đặc biệt, đường bờ Nam kênh 28 được nhựa hóa tạo thuận lợi cho người dân lưu thông, trao đổi hàng hóa.

Ông Trương Văn Dặm, ở thị trấn Vĩnh Hưng cho biết: “Từ chủ trương của huyện thi công tuyến đường này, người dân hiến đất cùng Nhà nước thực hiện con đường. Con đường hoàn thành mang lại diện mạo mới cho khu vực bờ Nam kênh 28 và thị trấn Vĩnh Hưng”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Hưng nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 3 công trình trọng điểm: Công viên kênh 28 (đoạn qua thị trấn Vĩnh Hưng), nhựa hóa đường liên xã của 5 xã biên giới và công trình nhựa hóa đường từ Bình Châu vào Cả Rưng (xã Tuyên Bình Tây). Đến nay, sau 1 năm thực hiện nghị quyết, công trình Công viên kênh 28 được hoàn thành, chủ đầu tư đang làm các thủ tục bàn giao, đưa vào sử dụng. Hai công trình còn lại, tiến độ thực hiện ước đạt khoảng trên 70%.

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng như thực hiện 3 công trình trọng điểm của huyện không chỉ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đưa thị trấn Vĩnh Hưng đạt chuẩn đô thị loại IV vào cuối nhiệm kỳ mà còn tạo sức bật toàn diện cho toàn huyện trong phát triển kinh kế cũng như gắn với công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, các cấp chính quyền và nhân dân phấn đấu thi đua lập thành tích trên tất cả các lĩnh vực để chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày thành lập huyện vào năm 2018. Một số chỉ tiêu nghị quyết của đại hội gần hoàn thành, mặc dù năm 2016 là năm đầu thực hiện nghị quyết.


Công trình đường bờ Nam kênh 28, huyện Vĩnh Hưng được đầu tư thảm nhựa, tạo điều kiện
phát triển KT-XH của huyện

Nhiều công trình đang “chạy nước rút”

Song song với những nỗ lực của các địa phương, từ nay đến cuối năm, dự kiến 3 công trình lớn có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và kinh tế của tỉnh được hoàn thành, gồm: Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ (1946-1949) tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh; cầu Đúc Tân An và Cảng quốc tế Long An tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc.

Cảng quốc tế Long An với diện tích 147ha nằm bên sông Soài Rạp, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối của giai đoạn 1, dự kiến đến cuối năm nay sẽ đưa vào khai thác và được kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Long An cũng như giảm tải cho các cụm cảng của TP.HCM. Để cảng đi vào hoạt động theo đúng tiến độ, đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục quan trọng của công trình như: Hệ thống đường dẫn từ Đường tỉnh 19 vào cảng, 2 nhà kho với diện tích trên 25.000m2, nhà cảng vụ, phòng kiểm hóa, khu làm thủ tục xuất nhập khẩu. Đồng thời, cầu cảng số 1 dài 210m với cẩu trục 40 tấn của Cảng quốc tế Long An được hoàn thành có thể tiếp nhận tàu tải trọng 30.000DWT.

Bên cạnh đó, cầu cảng số 2 cũng đang được tiến hành xây dựng, khi hoàn thành sẽ kéo dài cầu cảng lên 420m, nâng tải trọng tàu có thể tiếp nhận lên đến 50.000DWT. Công suất khai thác của cảng dự kiến trong giai đoạn 1 này là 2,5 triệu tấn/năm, sau đó nâng lên 9,3 triệu tấn/năm. Theo đánh giá, Cảng quốc tế Long An hoàn thành sẽ là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất tại khu vực miền Nam.

Theo lãnh đạo huyện Cần Giuộc, khi Cảng quốc tế Long An đi vào hoạt động sẽ giải quyết được vấn đề vận chuyển hàng hóa nông sản cũng như lượng hàng xuất khẩu từ các khu, cụm công nghiệp vì hiện nay, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hệ thống cảng biển chưa phát triển mạnh, hầu hết sản phẩm, hàng hóa phải tập trung về cụm cảng TP.HCM thông qua đường bộ. Từ đó dẫn đến tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, gây quá tải, gây tình trạng xuống cấp nhanh hệ thống đường bộ. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác, Cảng quốc tế Long An đáp ứng nhu cầu về xuất nhập khẩu các loại hàng hóa cần thiết bằng đường biển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, không chỉ cho tỉnh Long An, mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Còn tại công trình cầu Đúc Tân An, sau nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, quyết tâm của đơn vị thi công, công trình bảo đảm đúng tiến độ, dự kiến trước Tết Nguyên đán 2017 thông xe kỹ thuật phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, mua sắm tết của người dân.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Chỉnh cho biết: “Đến nay, đơn vị thi công gác xong dầm, đang thực hiện các bước để đổ bản mặt cầu. Tuy phần gác dầm có chậm hơn so với kế hoạch nhưng sở yêu cầu đơn vị đẩy nhanh thi công để bù tiến độ. Nhìn chung, tiến độ thi công vẫn bảo đảm theo yêu cầu đề ra với mục tiêu ngày 10-12 (âm lịch) sẽ thông xe kỹ thuật”.

Theo thiết kế, cầu Đúc Tân An có tổng chiều dài 89,1m với 2 làn xe hỗn hợp, mỗi làn rộng 4,5m, có bố trí lề bộ hành với mỗi lề rộng 2,25m, tổng bề rộng mặt cắt ngang đoạn trên cầu là 14,20m. Công trình do Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Long An thiết kế, tổng dự toán công trình hơn 50 tỉ đồng. Công ty CP Xây dựng số 18 Thăng Long là đơn vị trúng thầu với giá gần 35 tỉ đồng.


Cầu Đúc Tân An đang được nỗ lực thi công với quyết tâm thông xe vào trước Tết Nguyên đán 2017

Chậm tiến độ ở công trình trọng điểm

Bên cạnh 2 công trình Cảng quốc tế Long An và cầu Đúc Tân An đạt khối lượng hoàn thành từ nay đến cuối năm để đưa vào khai thác, sử dụng thì riêng công trình Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ (1946-1949), tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh rất khó hoàn thành theo dự kiến. Mặc dù đây là 1 trong 9 công trình trọng điểm của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015) và là khu di tích quốc gia mang nhiều dấu ấn lịch sử, nơi Đài Phát thanh Nam bộ phát thanh buổi đầu tiên. Ngoài các hạng mục kiến trúc như nơi ở của đồng chí Lê Duẩn 108m2, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ 72m2, khuôn viên mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én, Nhà in Nam bộ, phòng bào chế y dược, nơi ở của đồng chí Phạm Văn Bạch, đồng chí Trần Văn Trà, nhà truyền thống, nhà bia tôn vinh được hoàn thành thì nhiều hạng mục khác còn đang dang dở.

Một số người dân địa phương cho biết, công trình này thường xuyên diễn ra tình trạng công nhân bỏ việc vì nhà thầu không thanh toán tiền công dẫn đến công trình chậm tiến độ. Và theo thông tin từ xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh thì công trình này khó có thể hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao trong năm 2016 nếu không có những biện pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thi công. Chính vì những khó khăn, vướng mắc tồn đọng nên để hoàn thành công trình theo đúng dự kiến vào cuối năm nay, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền nhằm đáp ứng đúng những kỳ vọng của nhân dân về một vùng đất ghi đậm dấu ấn lịch sử của cha ông trong kháng chiến cứu quốc./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích