Tiếng Việt | English

25/02/2023 - 09:50

Sức hấp dẫn từ việc sân khấu hóa tác phẩm văn học

Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học luôn có sức hấp dẫn với học sinh (HS), bởi phương pháp này giúp các các em có thêm niềm yêu thích môn Ngữ văn, quan tâm đến việc tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh sáng tác để hiểu rõ hơn về tác phẩm.

Tác phẩm Chị Dậu được sân khấu hóa trong chương trình ngoại khóa tại Trường THPT Kiến Tường

Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của HS, những năm gần đây, các buổi sinh hoạt ngoại khóa theo hình thức sân khấu hóa các tác phẩm văn học đã trở nên quen thuộc đối với HS Trường THPT Kiến Tường (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An).

Ngữ văn là bộ môn mang đến cho HS nhiều kiến thức, giúp các em bồi đắp đạo đức, tình cảm tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng. Để tạo hứng thú cho HS với môn học này, Ban Giám hiệu Trường THPT Kiến Tường thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho HS các khối lớp tổ chức sân khấu hóa các tác phẩm đã học. Tham gia hoạt động này, HS của từng lớp chọn những tác phẩm, trích đoạn trong chương trình học để chuyển thể sang hình thức biểu diễn trên sân khấu. Thông qua đó, các tác phẩm văn học trở nên sống động và hấp dẫn hơn. Các em được dành thời gian nghiên cứu về đặc điểm, tính cách nhân vật, từ đó “nhập vai” theo nội dung của tác phẩm.

Tại Trường THPT Kiến Tường, việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu được thực hiện rất hiệu quả. Hầu hết tác phẩm, trích đoạn trong chương trình như Chí Phèo, Vợ nhặt, Số đỏ,... đã được các “diễn viên” không chuyên biểu diễn với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động. Thay vì cho HS đọc tác phẩm rồi nghe giảng và thảo luận, trao đổi cùng bạn học, các thầy, cô sẽ hướng dẫn các em học tập theo từng nhóm, chuẩn bị kỹ lưỡng để “hóa thân” vào nhân vật. Phương pháp này giúp HS chủ động tiếp cận, thâm nhập vào thế giới của các nhân vật để cảm nhận và tái hiện tác phẩm trên “sân khấu” lớp học.

Ngoài ra, HS còn được tự do sáng tạo trong cách diễn, làm sao để diễn tả được sâu sắc tính cách, nội tâm của nhân vật mình nhập vai. Những HS không tham gia diễn xuất cũng cần đọc tác phẩm thật kỹ, cảm nhận về nhân vật trong tác phẩm để đối chiếu với hình ảnh nhân vật do các bạn biểu diễn và đưa ra nhận xét của mình. Từ đó, các tiết học ngoại khóa này thực sự tạo được hứng thú cho HS, giúp các em nhớ bài lâu hơn và góp phần tạo thói quen đọc sách để hiểu sâu, hiểu rõ về tác phẩm.

Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Tường - Nguyễn Thị Dạ Thảo cho biết: “Sân khấu hóa tác phẩm văn học là hình thức mới trong thực hiện định hướng dạy học phát triển năng lực của HS. Hoạt động này giúp đưa các tác phẩm, trích đoạn văn học đến gần hơn với HS, góp phần tạo sân chơi bổ ích và những tiết học văn trở nên thú vị, hấp dẫn hơn rất nhiều”.

Phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi HS, phương pháp “sân khấu hóa tác phẩm văn học” trong hoạt động ngoại khóa tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thị xã Kiến Tường trong thời gian qua đã mang lại những kết quả tích cực. Đây là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả, sáng tạo giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn; đồng thời, góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng các em đến giá trị chân, thiện, mỹ./.

Tuấn Hùng

Chia sẻ bài viết