Tiếng Việt | English

09/02/2016 - 10:07

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp-xây dựng nông thôn mới: 2 nhiệm vụ, 1 mục tiêu

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM trên cả nước giai đoạn 2010-2015, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tỉnh Long An - đơn vị đứng đầu cụm 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để có vụ mùa bội thu, góp phần xây dựng nông thôn mới

Những kết quả tích cực 

5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn tác động đến sản xuất nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt mục tiêu cơ bản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Tốc độ tăng trưởng bình quân 3,9%/năm, sản lượng lúa đạt bình quân 2,75 triệu tấn/năm, trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 30%. Sản xuất ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả, chất lượng; hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao khu vực Đồng Tháp Mười, vùng rau an toàn Cần Đước-Cần Giuộc, vùng chanh Bến Lức-Đức Huệ, thanh long Châu Thành, chăn nuôi gia súc Đức Hòa, nuôi thủy sản vùng hạ,...

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa diễn ra mạnh mẽ. Hiện có trên 10.800ha đất lúa chuyển sang trồng thanh long, chanh, bắp, mè,... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, giá trị cao, trên 60% diện tích sử dụng giống xác nhận, 30% sản lượng lúa đạt lúa chất lượng cao, giống lúa IR 50404 được khống chế ở mức 10-15%.

Đồng thời, nhiều loại cây trồng được chứng nhận sản xuất theo GAP: Lúa, chanh, thanh long, rau. Tỉnh xây dựng 4 vùng thực hành chăn nuôi tốt trên địa bàn các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc với tổng số 718 hộ, gồm chăn nuôi heo và gà, có trên 85% hộ chăn nuôi trong vùng được chứng nhận chuẩn VietGAHP nông hộ. Bước đầu, hình thành được chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn thông qua chuỗi sản phẩm thịt sạch, giết mổ sạch và buôn bán thịt sạch.

5 năm qua, toàn tỉnh có 21.107 lao động nông nghiệp được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 84%; các công trình nước hợp vệ sinh ở nông thôn bảo đảm cung cấp cho 94% hộ dân; 68% hộ dân nông thôn có đủ 3 công trình sinh hoạt (nhà tắm, hố xí, bể nước) đạt tiêu chuẩn vệ sinh;...

Những kết quả trên góp phần cho ngành hoàn thành kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tính đến tháng 12-2015, toàn tỉnh có 43 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 6 tiêu chí. Với kết quả đó, tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM trên cả nước giai đoạn 2010-2015, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tỉnh Long An - đơn vị đứng đầu cụm 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ; Chính phủ cũng tặng cờ thi đua cho huyện Châu Thành, bằng khen cho 2 xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành và xã Tân Lân, huyện Cần Đước, là các đơn vị cơ sở đạt kết quả xuất sắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nhiệm vụ XDNTM

Định hướng cơ bản là duy trì tốc độ tăng trưởng ngành ở mức 2,7%/năm trong giai đoạn 2015-2020, những năm tiếp theo phấn đấu giữ mức tăng trưởng bình quân 2-2,5%; tăng tỷ lệ đóng góp lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản vào cơ cấu chung của ngành; phát huy nội lực, lựa chọn công nghệ phù hợp để tập trung khai thác tiềm năng đất đai, lao động, phát triển 4 cây, 4 con chủ lực: Lúa, thanh long, chanh, rau và heo, bò thịt, gia cầm, tôm.

Bên cạnh đó, phấn đấu tăng sản lượng lương thực hằng năm lên trên 2,8 triệu tấn/năm, tăng sản lượng lúa chất lượng cao đạt trên 50% tổng sản lượng lúa. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận đạt trên 80%; tỷ lệ hộ chăn nuôi heo, bò, gia cầm sử dụng giống tiến bộ, chất lượng cao trên 80%; kiểm soát 90% chất lượng tôm giống nhập tỉnh; hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Về xã hội: Tăng thu nhập bình quân đầu người cho khu vực nông thôn, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để đến năm 2020, toàn tỉnh có trên 50% xã đạt chuẩn xã NTM.

Về môi trường: Quản lý, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường trong các hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên. Đến năm 2020, có trên 90% hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có biện pháp xử lý môi trường đạt quy chuẩn theo quy định, trên 60% vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom đúng nơi quy định,...

Để đạt những mục tiêu trên, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, giám sát thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp và các đề án, kế hoạch xây dựng xã NTM trong từng giai đoạn. Đồng thời, củng cố, kiện toàn hệ thống quản lý thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình XDNTM với trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, vận động rộng rãi để mọi người dân hiểu rõ và tự giác tham gia.

Dành đầu tư ưu tiên đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực và có tiềm năng kinh tế theo hướng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, quy trình quản lý sản xuất theo hướng GAP và thích ứng tình hình biến đổi khí hậu. Phát triển hoạt động dịch vụ nông nghiệp gắn sản xuất với chế biến, bảo quản, phân phối theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của nông sản và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tăng cường hoạt động hỗ trợ hình thành và vận hành các mô hình kinh tế tập thể, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết “4 nhà”; phát triển các hình thức đối tác công tư, hợp tác công tư (PPP/PPC) rộng rãi trên các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ, đào tạo nhân lực.

Đầu tư trọng điểm cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ sản xuất, ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao về giống, sinh học, cơ giới và hệ thống công trình thủy lợi; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, bao gồm lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho cư dân nông thôn theo hướng đa dạng hóa sinh kế.

Với những kết quả đã đạt trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM giai đoạn 2011-2015, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp phần tích cực vào kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể kinh tế của tỉnh nhà. Trên bước đường thực hiện nhiệm vụ sắp tới, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, sự hưởng ứng đồng lòng của đông đảo nông dân và các thành phần kinh tế khác là nền tảng cơ bản để ngành tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ với kết quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)./.

Lê Văn Hoàng (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An)

 

Chia sẻ bài viết