Tiếng Việt | English

04/04/2016 - 17:20

Tận tụy với công tác hội

Ở ấp 4, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ai cũng biết Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (PN) ấp - Huỳnh Thị Xuân Bế. Hơn 10 năm gắn bó với công tác hội, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa phong trào PN của ấp ngày càng phát triển. Không những vậy, chị còn là một điển hình trong phong trào PN thi đua phát triển kinh tế của xã nhà.

Nghị lực vươn lên thoát nghèo

Để có được thành công như ngày nay với chị là cả một chặng đường dài. Ngược thời gian hơn 10 năm về trước, gia đình chị Bế là hộ nghèo ở địa phương. Cả gia đình 4 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 3 công đất trồng lúa nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau.

Hai vợ chồng chị phải làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống, từ làm mướn, chạy công, hay thời vụ, chưa việc nào chị chưa từng trải qua. Đó là chưa kể những năm thất mùa, cuộc sống gia đình lại càng khó khăn hơn.

Chị tâm sự: Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ cố gắng làm ăn đủ để lo cho cuộc sống gia đình. Qua tìm hiểu, tôi biết được những mô hình chăn nuôi heo, gà hiệu quả nhưng lại không tốn nhiều chi phí đầu tư cũng như diện tích. Sau khi bàn bạc với chồng, tôi mạnh dạn vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cầm trên tay gần 10 triệu đồng vốn mà với gia đình tôi như cả gia tài.

“Từ nguồn vốn này, vợ chồng tôi quyết định đầu tư nuôi gà. Do chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, ngay lứa gà đầu tiên gia đình tôi cầm ngay phần lỗ. Vừa làm, vừa học hỏi từ những hộ gia đình chăn nuôi trước đó và may mắn đúng dịp địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn chăn nuôi, tôi dần nắm bắt kỹ thuật, phương pháp chăn nuôi, từ khâu tuyển chọn con giống, thức ăn và phòng tránh dịch bệnh. Mỗi lứa gà tiếp theo, gia đình tôi đều có lãi”, chị Bế nhớ lại.

Tích lũy đủ vốn, chị tiếp tục mở rộng chăn nuôi vịt. Từ đó, chị có điều kiện để trả hết số tiền vay của ngân hàng, ổn định về kinh tế cũng như cho 2 con ăn học nên người.

Chỗ dựa cho phụ nữ địa phương

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phước Tây - Trần Thị Kim Loan cho biết: “Chị Bế không chỉ là một điển hình trong vượt khó vươn lên thoát nghèo mà luôn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương nhất là các phong trào PN giúp nhau làm kinh tế.

Bên cạnh đó, chị thường xuyên quan tâm đến đời sống của các hội viên còn khó khăn để kịp thời giúp đỡ, từ đó thu hút, tập họp ngày càng nhiều chị em tham gia vào tổ chức hội. Chị xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, tấm gương sáng để PN địa phương học hỏi noi theo”.

Thế nhưng, khi nói về bản thân mình, chị khiêm tốn cho biết, “Chính bản thân mình từng trải qua những khó khăn nên tôi thấu hiểu những khó khăn mà các chị em hội viên gặp phải. Có những lúc, tôi đi tuyên truyền vận động cũng gặp không ít khó khăn, nhiều chị em khó khăn chưa dám mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất.

Rồi qua nhiều lần động viên, thuyết phục, hầu hết các chị em trong hội đều mạnh dạn tham gia với các mô hình làm ăn hiệu quả như nuôi gà, vịt hay chăn nuôi heo nái, bò đẻ. Từ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định”.

Những đóng góp của chị cho phong trào PN trong hơn 10 năm qua được các cấp hội ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen nhưng với chị “Niềm vui, hạnh phúc lớn nhất chính là hội viên trong ấp có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, từ đó chung tay, góp sức cùng địa phương xây dựng quê hương”./.

Trúc Phương

Chia sẻ bài viết