Thời gian qua, công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực và đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, vận động người dân tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, việc thực hiện một số chương trình giảm nghèo chưa đồng bộ, đôi khi chỉ mang tính chất nhất thời; công tác giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền. Một số hộ thuộc diện nghèo lại chưa có ý thức vươn lên trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Để giảm nghèo một cách bền vững, đòi hỏi có sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp hành động của các tổ chức đoàn thể và sự tham gia đóng góp, chia sẻ của người dân.
Trước hết, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo cho các hộ nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các chương trình giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm phù hợp gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, các ngành nghề truyền thống ở địa phương để tăng thu nhập bền vững; khắc phục tình trạng dạy nghề mang tính hình thức, theo chỉ tiêu, không gắn với việc làm, thu nhập, nguyện vọng của người nghèo, gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước và thời gian, công sức của nhân dân.
Như vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cùng với sự nỗ lực của các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên để thoát nghèo bền vững.
Tố Uyên