Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chú trọng. Nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân giảm nghèo được thực hiện; các chính sách, dự án về giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng khắp các địa bàn dân cư; các mô hình giảm nghèo tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác giảm nghèo ở một vài địa phương chưa hiệu quả, thiếu tính bền vững; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh ở mức cao, số hộ tái nghèo vẫn còn xảy ra.
Thiết nghĩ, để góp phần hạn chế sự phân hóa giàu - nghèo trong xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, công tác giảm nghèo phải được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xem là nhiệm vụ hàng đầu để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả theo hướng bền vững. Theo đó, cần lồng ghép nhiều giải pháp như: Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập gắn với việc quan tâm chuyển giao khoa học-kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, làm tốt công tác dạy nghề, khuyến nông, khuyến công và trong điều kiện cho phép, có thể hỗ trợ xây nhà ở để người nghèo an cư lạc nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để người nghèo được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa,... Từ đó, giúp người nghèo cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Với việc tăng cường thực hiện những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác giảm nghèo sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, qua đó thúc đẩy KT-XH nước ta ngày càng phát triển./.
Tường Oanh