Hiện nay, người nghèo được hưởng nhiều chính sách từ Nhà nước và sự hỗ trợ từ các chương trình dự án nên một bộ phận người nghèo vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự cứu trợ. Do vậy, số người đó nghèo từ trong tư tưởng chứ không phải nghèo vì không có khả năng lao động. Một khi có được sổ hộ nghèo, họ cứ trông chờ vào các đợt tặng quà nhân dịp lễ, tết, cứu trợ thường xuyên, cứu trợ đột xuất, các chương trình từ thiện của các mạnh thường quân và tổ chức xã hội. Sau khi sử dụng hết tiền, quà thì lại tiếp tục trông chờ chứ không có ý chí tự lao động để nuôi sống bản thân và gia đình.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là một trong những giải pháp giảm nghèo, tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trong thời gian qua còn nhiều bất cập. Phần lớn lao động sau khi học nghề không có việc làm, nhiều nghề không phù hợp thực tế địa phương,... Cùng với đó, mức hỗ trợ vốn cho hộ nghèo quá thấp, không đủ để phát triển sinh kế, vốn cho vay hộ nghèo không đủ mua 1 con bò để nuôi,... Hơn nữa, nhiều chương trình hỗ trợ vốn nhưng bắt buộc phải có đông người tham gia thì mới giải ngân, trong khi thực tế thì có hộ chỉ cần sắm chiếc xuồng câu, có hộ chỉ cần mua 1 con bò,... là được. Trong khi cách làm thì “rập khuôn”, máy móc, hệ thống chính sách thiếu căn cơ, thiếu tư duy chiến lược về giảm nghèo, nhiều chính sách cho người nghèo còn bất cập.
Để giảm nghèo bền vững, cần nhiều thay đổi về cơ chế, chính sách cũng như thiết kế các chương trình, giải pháp phù hợp thực tiễn,... Vì thế, cần phải đổi mới chính sách, đổi mới cách làm thì mới giải quyết bài toán giảm nghèo. Ngành chức năng cần rà soát, đánh giá, sắp xếp lại các chính sách giảm nghèo phù hợp theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, mang tính an sinh xã hội không phát huy hiệu quả; tách đối tượng bảo trợ xã hội ra khỏi đối tượng giảm nghèo để thuận lợi trong việc thực hiện chính sách; tiếp tục quan tâm, tăng cường các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để giúp họ thoát nghèo bền vững./.
Nguyễn Lang