Tiếng Việt | English

12/09/2019 - 15:46

Tăng cường phối hợp trong quản lý rừng phòng hộ

Long An có 90,5ha rừng phòng hộ ven sông, cửa biển tại 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây của huyện Cần Đước. Hiện nay, trên địa bàn có tình trạng một số hộ nuôi tôm chặt đốn cây làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ, do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp trong công tác quản lý.

Cây bần có tác dụng chắn sóng, bảo vệ đất, chống xói mòn

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm Long An (CCKLLA), diện tích rừng phòng hộ ven sông Soài Rạp của Long An còn 90,5ha; cây phòng hộ chủ yếu là bần, dừa nước, tập trung tại 2 xã Long Hựu Đông (71,4ha) và Long Hựu Tây (19,1ha).

Theo UBND xã Long Hựu Đông, do rừng phòng hộ nằm ngoài đê, hiện nay, một số hộ nuôi tôm cũng chặt cây hoặc đào đắp bờ bao tuy không nhiều nhưng cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.

Hành lang bảo vệ đê tại 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây

Chi cục Trưởng CCKLLA - Lê Hữu Lợi thông tin: “Sau khi nắm thông tin báo cáo từ các xã, CCKLLA cử Đội Kiểm lâm cơ động phối hợp cơ quan, ban, ngành của huyện và UBND 2 xã có rừng phòng hộ để kiểm tra, rà soát tình hình để có giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả”.

Được biết, trước đây, chính quyền vận động nhân dân hiến đất làm đê bao sông Vàm Cỏ qua địa bàn 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Tuy nhiên, do chưa chỉnh lý biến động đất đai nên chưa rõ phần đất thuộc quyền quản lý Nhà nước và phần đất của nhân dân hiến đất. Hiện nay, đất bồi khu vực này lên đến vài hecta (thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương), do đó có sự chồng lấn diện tích, chưa rõ ràng.

Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động - Trần Quốc An cho biết: “Đội Kiểm lâm cơ động cử cán bộ phối hợp Đoàn liên ngành huyện Cần Đước kiểm tra tình trạng phát sinh tại rừng phòng hộ 2 xã. Kết quả ban đầu chưa có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong việc xâm lấn và chặt phá cây của rừng phòng hộ. Riêng về đất đai đang chờ cơ quan chức năng thống kê, rà soát lại diện tích rừng phòng hộ, nếu có sự xâm lấn thì sẽ trình cơ quan chức năng có giải pháp xử lý”.

Vùng cửa biển ven sông Soài Rạp - Long An bị xâm thực mạnh

Được biết hiện nay, do biến đổi khí hậu, việc xâm thực ven biển, ven sông ngày phức tạp. Rừng phòng hộ có tác dụng hạn chế việc xâm thực, ngăn cản gió bão; việc chặt, phá cây của rừng phòng hộ và xâm lấn diện tích rừng là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo CCKLLA, việc nuôi tôm dưới tán cây rừng phòng hộ thì không bị nghiêm cấm. Hiện CCKLLA cắm 3 biển báo quy định về bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Được biết, rừng phòng hộ tại xã Long Hựu Đông còn có ý nghĩa về mặt an ninh - quốc phòng vì rừng nằm ngay gần cửa biển có Đồn Rạch Cát do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Hiện, độ che phủ rừng tại xã Long Hựu Đông đạt 3,4%; xã Long Hựu Tây 1,2%.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, rừng phòng hộ được sử dụng để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Rừng phòng hộ ở 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây thuộc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, rừng hộ chắn sóng, lấn biển./.

Bảo Lâm

Chia sẻ bài viết